Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
Thứ Bảy (17/9/2011), Guiness Việt Nam sẽ có thêm kỷ lục mới với “đôi vợ chồng thọ nhất Việt Nam”.
Chứng nhận kỷ lục sẽ được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam tổ chức trao tận nhà, bởi cụ ông cụ bà đi lại có phần bất tiện. Chỉ riêng việc trao chứng nhận kỷ lục cũng không giống như thường lệ...
Chúng tôi tìm đến Trạm y tế phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TPHCM) hỏi địa chỉ đôi vợ chồng thọ nhất Việt Nam. Chị cán bộ trạm y tế trả lời ngay: “Chú đi thẳng đường Nguyễn Văn Quá, qua ngã tư chợ Cầu khoảng 100m rồi nhìn bên tay trái, thấy có bảng khu phố 2 thì rẽ vào, nhà đầu tiên bên tay phải”. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên với cách chỉ dẫn tường tận, chị lại cười xòa: “Ở khu vực này ai mà chẳng biết ông Sáu Lạc, bà Sáu vườn trầu”.
|
“Đôi vợ chồng thọ nhất Việt Nam”. Ảnh: TG
|
Lão nông sống thọ
Ngôi nhà của ông Sáu Lạc nằm khuất trong khuôn viên đất rộng hơn 2.000m2, xung quanh là 4-5 ngôi nhà khác của con cháu. Cháu đích tôn của ông Sáu, anh Huỳnh Công Diễn mở cửa mời chúng tôi vào. Anh bảo ông bà nội đang ngủ nên sẽ mời cô Tư - người trực tiếp chăm sóc ông bà - trò chuyện cùng chúng tôi. Cô Huỳnh Thị Hoa là con gái thứ tư của cụ ông Huỳnh Văn Lạc (110 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Lành (106 tuổi). Năm nay cô Tư cũng đã ngoài 70 tuổi. “Trên giấy tờ, ba tôi sinh ngày 1/1/1901, mẹ tôi sinh ngày 1/1/1905”, cô Tư Hoa cho biết. Chúng tôi đang tròn mắt ngạc nhiên bởi cụ ông, cụ bà có ngày tháng sinh trùng nhau kỳ lạ thì cô Tư tiếp lời luôn: “Thật ra chỉ có năm sinh của ba má tôi là chính xác thôi. Còn ngày tháng thì do nhiều thời kỳ thay đổi lắm nên cũng có khả năng không đúng, mà bây giờ trong nhà không còn ai biết ngày tháng sinh của hai cụ cả”.
“Thế hồi xưa duyên cớ làm sao hai cụ gặp nhau vậy cô Tư?”, chúng tôi thắc mắc. Nhắc đến chuyện này, cô Tư cười tủm tỉm: “Cũng nhờ cậu Bảy, anh của má cả. Hồi còn trẻ, ba tôi làm nông giỏi lắm. Ông trồng lúa, trồng rau, cây ăn trái và trồng thuốc lá. Cậu Bảy của tôi là người bán giống thuốc lá. Ông thấy ba tôi hiền lành, siêng năng nên giới thiệu cho em gái thứ 10 là má tôi đó. Sau hơn 6 tháng tìm hiểu, má tôi chịu ưng ba tôi vì thương ông mồ côi cha, lại rất hiếu thảo với mẹ. Ba tôi cưới má tôi lúc ông 28 tuổi”. Vậy là cụ Lành rời nhà tại Tân Chánh Hiệp (cách Đông Hưng Thuận khoảng 10km) về làm dâu phụng dưỡng mẹ chồng. Cuộc sống gia đình cụ Lạc lo lắng chu đáo cả, cụ Lành lo phần nội trợ bếp núc, thi thoảng phụ chồng chăm vườn rau, vườn thuốc.
“Cô Tư ơi, hồi thanh niên cụ Lạc có uống bia rượu hay hút thuốc lá không vậy cô?”. Cô Tư Hoa lại cười: “Ba tôi đặc biệt không uống bia rượu nhưng ông là “siêu nghiện” thuốc lá. Thời còn trồng thuốc lá, ba tôi phải tự cắt lá thuốc rồi mới bán. Phần lá thuốc ngon nhất ông để mình hút. Mãi đến những năm 1980, khi các tổ chức của chính quyền vận động người dân hạn chế hoặc thôi hút thuốc, lúc đó tôi cũng có tham gia vận động nên tôi về nhà vận động cụ trước. Từ đó ba tôi bỏ hẳn thuốc lá”. Chúng tôi lại hỏi đến hiện tại: “Chuyện ăn uống của hai cụ hiện giờ thì sao cô Tư?”. “Ba má tôi cũng dễ ăn lắm. Có điều cụ bà chẳng thích ăn cháo, chỉ thích ăn cơm. Còn cụ ông thì thích ăn phở, hủ tíu, cháo... hơn. Đặc biệt là cả hai cụ đều không chịu ăn thức ăn xay nhuyễn. Tôi phải xắt nhỏ những thức ăn hơi cứng, kể cả rau sống cũng phải xắt nhỏ và hầu như ngày nào hai cụ dùng cơm cũng thích có một món luộc, khi thì đậu luộc, khi thì rau luộc. Mỗi bữa cụ bà dùng được gần một chén, cụ ông thì gần một tô nhỏ”, cô Tư cho biết.
Chúng tôi đang trò chuyện thì một người đàn ông râu rậm, tuổi ngoài 60 đi vào nhà, tay cầm đồ nghề hớt tóc. “Đó là anh Ba Sen tới nhà hớt tóc cho hai cụ đấy. Anh ấy hớt tóc cho cụ từ năm 1972 đến giờ đấy”, cô Tư giới thiệu. Thợ hớt tóc Ba Sen và cháu đích tôn Diễn dìu cụ Sáu Lành ra trước nhà hớt tóc. Ông cụ mặt nghiêm, chẳng nói với ai tiếng nào. Chợt anh Diễn nói to: “Lúa cắt hết rồi, chở vô bồ hết rồi nội ơi”. Cụ ông cười tươi rói, nói to và rõ ràng: “Vậy hả. Trúng hông bây? Trời thương cho làm được 3 mùa đó, nếu không là đói chết”. Nói xong ông lại cười tủm tỉm. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên vì câu chuyện chẳng ăn nhập gì cả, anh Diễn và cô Tư Hoa cười ngất: “Cụ thích nói chuyện lúa thóc lắm. Những lúc cụ không chịu ăn cơm là mình chỉ cần nói “ba ăn đi, gạo này là gạo nhà mới vừa xay đó”, vậy là ông chịu vì gạo nhà làm mới ngon”. Hóa ra là thế, gốc nhà nông của cụ Sáu Lạc không hề phai theo thời gian. Chúng tôi hỏi lớn: “Hồi đó cụ có làm ruộng hả?”. Cụ Lạc cười, đưa bàn tay lên cho chúng tôi xem và dõng dạc: “Làm chuyên nghiệp luôn”.
|
Cụ bà cùng con gái thứ 4.
|
|
Hỏi vợ cho Ba Sen năm 1983.
|
Những “kỷ lục” chưa được công nhận
Đến phiên cụ bà Nguyễn Thị Lành thế chỗ cụ ông hớt tóc. Cụ Lành đi đứng có phần yếu hơn cụ ông. Thợ hớt tóc Ba Sen không cần thay đổi kiểu tóc nào cả, cũng hớt cao cho gọn. Trên tay cụ Lành có chiếc kiềng vàng 24, da tay cụ mỏng, thấy cả gân xanh. Chúng tôi rờ tay cụ, đúng lúc đó cô Tư Hoa lên tiếng: “Cháu nó muốn mượn chiếc kiềng để đi đám cưới”. Cụ Lành cười, nói cũng rất rõ ràng: “Mượn cái gì cũng được nhưng chiếc kiềng này của má cho, không được”. Hóa ra chiếc kiềng đó cụ Lành được mẹ tặng lúc cưới chồng và cụ đeo đến giờ.
Trong lúc cụ bà đang hớt tóc thì có một phụ nữ đi vào. “Chị dâu thứ 2 đấy”, cô Tư Hoa giới thiệu. Bà Nguyễn Thị Chia - tên người con dâu thứ 2 của cụ Lành, nắm tay vấn an cụ: “Má ngủ được không”. Cụ Lành gật đầu mỉm cười. Bà Chia năm nay đã 71 tuổi, cưới chồng từ năm 17 tuổi và làm dâu đến nay. Chúng tôi đùa: “Chắc phải đề nghị Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam nghiên cứu công nhân cô là người phụ nữ làm dâu nhiều năm nhất quá”. Bà Chia cười ngất: “Cái này là mình ăn theo tuổi thọ của 2 cụ thôi. Nhưng mà chú nói cũng có lý à nghen”. Cả nhà lại một phen cười sảng khoái.
“Thôi vậy công nhận kỷ lục cho ông Ba Sen luôn đi”, bà Chia đùa lại chúng tôi. Thì ra cũng có cớ sự của lời đùa. Ba của ông Sen hớt tóc cho cụ Lạc từ những năm 50-60 thế kỷ trước. Đến khi ba mất, ông Sen nối nghiệp hớt tóc cho cụ Lạc từ năm 1972. Năm 1983, cụ Lạc đi hỏi vợ cho ông Sen. Từ đó ông xem cụ Lạc như ông nội mình và không lấy tiền hớt tóc nữa. Mấy năm gần đây cụ Lạc đi lại không tiện nên ông Sen đến tận nhà hớt tóc cho cụ.
Ở gia đình của hai cụ “kỷ lục” sống thọ, chúng tôi cảm nhận một sự đầm ấm trên thuận dưới hòa, bà con láng giềng xung quanh ai cũng quý mến gia đình cụ cả. Có lẽ vì vậy mà cụ Lạc và cụ Lành sống đến tuổi tiên. “Người già sống thọ do tinh thần chi phối nhiều lắm. Thấy gia đình đề huề, bình bình an an là ba má tôi vui mà sống khỏe, chú ạ”, cô Tư Hoa tâm tình.
|
Cụ ông cùng cháu nội đích tôn Huỳnh Công Diễn.
|
Cụ Lành là con gái thứ 10 trong gia đình 12 anh chị em, chỉ có 2 gái. Người chị thứ 9 của cụ Lành khi mất cũng đã 100 tuổi. Gia đình cụ ông Sáu Lạc thì có 4 người, 2 trai 2 gái. Nhưng đến thời điểm này, cả bên nội lẫn bên ngoại của cô Tư Hoa chỉ còn hai cụ, không ai “trụ” như cụ Lạc, cụ Lành được cả. Ngay cả thế hệ các cháu gọi hai cụ bằng chú bác, cô dì cũng mất cả. Cụ Lạc và cụ Lành có với nhau 4 người con, 2 trai 2 gái. Người con trai cả đã gần 80, cô em gái út cũng đã 69 tuổi. Cô Tư Hoa không lập gia đình nên chăm chút cho hai cụ rất chu đáo.
“Khoảng 3 tháng nữa là cháu ngoại của Út sinh con. Vậy là ba má tôi sẽ có cháu gọi bằng ông sơ bà sơ. Tính ra là ngũ đại rồi đó. Gia đình cô Út cũng sống gần đây, cách khoảng 1-2 cây số”, cô Tư Hoa cho biết. Ở tuổi “thượng thượng thọ”, cụ Lạc và cụ Lành có 2 dâu 1 rể, sinh ra 14 cháu nội, 10 cháu ngoại, lại sinh ra 41 cháu cố. “Thế hệ cháu cố đã cưới vợ gả chồng nhiều lắm rồi, ông bà nội chuẩn bị đón cháu gọi bằng sơ nhiều lắm”, cháu đích tôn Huỳnh Công Diễn nói thêm.
|
Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:
Bài viết: Đôi vợ chồng thọ nhất Việt Nam (https://www.meo.vn/doi-vo-chong-tho-nhat-viet-nam.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.