Điều trị dứt cơn ho

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Nhiều người hễ thấy ho là mua kháng sinh về uống. Tuy nhiên, có những cơn ho càng uống kháng sinh, càng mệt người mà vẫn ho dai dẳng.

Cần biết về ho

Ảnh minh họa.

Thời tiết hiện nay ở miền Bắc đang làm gia tăng số người mắc các chứng ho khan, không sốt nhưng rất khó chịu. Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống xuất những vật lạ trên đường thở, cũng là dấu hiệu thường gặp từ các chứng cảm cúm thông thường do nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là những người có cơ địa yếu như trẻ em, người già.

Chứng ho dai dẳng đang bùng phát ở khu vực miền Bắc hiện nay là do thời tiết biến đổi nhiều, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch tới 10 độ, nóng ẩm, kèm sương mù, cộng với ô nhiễm… là môi trường tốt cho virus, vi khuẩn cư trú trong mũi, họng phát triển, lây lan. Có nơi nhiều người cùng bị ho do nhiễm cúm – virus lây lan qua giao tiếp như bắt tay, nói chuyện, hắt hơi, ăn uống…

Tại phòng khám Bệnh viện E TƯ tuần qua, các bác sĩ phát hiện có 3 nguyên nhân chính gây ho dai dẳng: Thứ nhất là do bệnh tại đường hô hấp (hầu họng, phế quản phổi). Thứ hai là bệnh từ mũi xoang xuống và 3 là từ dạ dày lên (hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản). Trong đó nhóm bệnh đường hô hấp do nhiễm virus hay gặp nhất (với các chứng viêm họng, thanh quản, khí quản, phế quản, phổi do cúm, các loại virus hợp bào hô hấp…), rồi tới nhiễm khuẩn. Ngoài ra, một nguyên nhân hay gặp nữa ở người cao tuổi là do tác dụng phụ của thuốc điều trị huyết áp.

Những cơn ho dai dẳng kéo dài nếu không điều trị sớm sẽ làm bệnh nặng hơn hoặc trở thành ho mãn tính.

Khi nào cần dùng kháng sinh?

Sau một đợt cảm cúm, cảm lạnh thường kết thúc bằng một đợt ho khan kéo dài khoảng 3 tuần, hay gặp là do virus hợp bào đường hô hấp khiến cho ho dai dẳng ở mức độ nhẹ và thường là ho khan chứ không có kèm biểu hiện khác, người bệnh ăn uống sinh hoạt bình thường. Nhưng đa số thấy ho khan dai dẳng lại tưởng nhầm là mình bị viêm nhiễm gì đó nên đã tự ý ra hiệu thuốc kể bệnh rồi mua các loại thuốc ho, hoặc kháng sinh về uống, thậm chí uống 2 – 3 ngày kháng sinh này không khỏi lại đổi kháng sinh khác.

Đúng ra dạng ho này là hoàn toàn bình thường, vì sau nhiễm virus cơ thể thường có phản ứng miễn dịch gây các kích thích ho khan, sau một thời gian sẽ tự hết, không cần phải dùng thuốc. Nếu có dùng thuốc thì chỉ dùng các loại thuốc ho thông thường bao gồm cả các loại thuốc y học dân tộc như bổ phế, bạch ngân, bách bộ… có thể dùng thêm thuốc nhỏ mũi làm thông mũi. Hoặc vệ sinh đường hô hấp hàng ngày bằng cách súc họng thường xuyên với nước muối loãng, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Ho khan sau cảm cúm không nên uống kháng sinh bởi kháng sinh không có tác dụng với virus và sau nhiễm virus niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, sau 2 – 3 tuần tế bào tổn thương thương mới lành.

Với ho do dị ứng cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân xem do nguyên nhân do thức ăn, môi trường sống, vật nuôi… gì đó gây nên mới có thuốc đặc trị ho dị ứng.

Ho chỉ nên dùng kháng sinh khi có các dấu hiệu nhiễm khuẩn với triệu chứng ho có đờm vàng, xanh, hoặc viêm xoang, viêm tai mũi họng, amidan mủ… và phải dùng đủ từ 7 – 10 ngày theo chỉ định bác sĩ, không nên tự ý dùng khi chưa có chẩn đoán, hoặc dùng không hết đợt điều trị. Ho do viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi sẽ được bác sĩ kê đơn dùng kháng sinh. Ho do chứng bệnh hen suyễn cũng được bác sĩ kê đơn dùng thuốc hỗ trợ thông thoáng đường thở.

Phòng ho

Để phòng ho cần luôn giữ ấm cơ thể, bảo đảm dinh dưỡng, hạn chế bia, rượu, không hút thuốc lá. Ngoài ra, cần tránh lây nhiễm bằng cách: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người và tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng chung khăn mặt và các vật dụng trong ăn uống… Cần uống đủ nước mỗi ngày, tránh các chất kích thích, tránh khói bụi, tránh ngồi điều hòa quá lâu.

Với trẻ nhỏ cần giữ độ ấm cho phòng ngủ. Cho trẻ uống đủ nước và nên uống nước ấm. Khi ngủ nên để trẻ nằm gối cao hơn bình thường một chút để giúp cho luồng khí trong cổ họng thoát ra bên ngoài một cách dễ dàng.

Tuy ho là bệnh ở một chỗ, nhưng do nhiều nguyên nhân, nguồn gốc khác nhau. Ho dưới 3 tuần vẫn coi là ho cấp tính. Ho dai dẳng trên 3 tuần là phải khám để tìm nguyên nhân chữa trị, bởi đó có thể là triệu chứng của các bệnh khác nhau.

BS Duy Anh – (Khoa Khám bệnh – Bệnh viện E)

(Theo Giadinh)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Điều trị dứt cơn ho (https://www.meo.vn/dieu-tri-dut-con-ho.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *