Điều trị bệnh gây khô miệng

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Khô miệng không phải là một bệnh mà là triệu chứng của một số bệnh. Tuy khô miệng thường gặp ở người già, nhưng bệnh cũng xuất hiện ở mọi lứa tuổi khi mà số lượng nước bọt trong miệng giảm tiết.

Hiểu biết thú vị về nước bọt

Bạn vẫn thường thấy có nước bọt trong miệng, chúng từ đâu mà ra, thành phần, tác dụng của chúng thế nào thì có thể bạn chưa biết hết. Nước bọt là chất lỏng khá đậm đặc, không màu, hơi đục, thường xuyên có trong miệng chúng ta. Nước bọt được sản xuất từ các tế bào ở mặt trong của môi, vòm miệng, đặc biệt là từ 3 tuyến nước bọt chính ở trong miệng: tuyến ở dưới lưỡi, tuyến gần xương hàm và tuyến ở hai bên má.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Nước bọt của mỗi tuyến có thành phần hơi khác nhau, nhưng nhìn chung chứa: 98% là nước, phần còn lại là chất nhờn mucous, các chất khoáng calci, natri, kali, bicarbonate, phosphate, men amylase, lipase, vài chất kháng vi khuẩn. Bình thường, mỗi ngày, ở người lớn sản xuất ra từ 0,5 – 1,5 lít nước bọt. Nước bọt có vai trò: làm nhuyễn dính thức ăn, giúp răng nhai thức ăn nát nhuyễn quyện lại với nhau thành một cục mềm, nhờ đó lưỡi có thể dễ dàng đẩy nuốt qua thực quản xuống dạ dày. Nước bọt giúp chuyển thức ăn cứng khô thành lỏng nhuyễn để lưỡi có thể nếm hương vị của thức ăn.

Các men tiêu hóa của nước bọt như amylase có tác dụng biến đổi tinh bột ra đường maltose; men lipase giúp tiêu hóa chất béo. Nước bọt còn có tác dụng giữ vệ sinh răng miệng. Thông thường, trong miệng có nhiều loại vi khuẩn có thể gây bệnh. Các vi khuẩn này sống nhờ thức ăn sót lại trong miệng và tạo ra một số chất axít ăn mòn men răng. Nước bọt làm trung hòa các axít này và có thể tiêu hủy một số loại vi khuẩn đồng thời rửa sạch thức ăn dính ở răng miệng xuống dạ dày, ngặn chặn quá trình hư hại răng.

Các trường hợp gây giảm tiết nước bọt

Có nhiều nguyên nhân gây giảm tiết nước bọt: khi bạn khỏe mạnh thì nước bọt giảm tiết khi bạn khát nước, lao động nặng ra nhiều mồ hôi. Trong khi ngủ, nếu bạn có tật hay ngáy hoặc thói quen há miệng khi ngủ cũng làm giảm tiết nước bọt và gây khô miệng. Khi bạn đau ốm như phải dùng hóa trị, xạ trị gây giảm sản xuất nước bọt. Một số bệnh như tiểu đường, bệnh của tuyến nước bọt, hội chứng sjogren là bệnh tự miễn trong đó có sự hủy hoại tuyến nước mắt và nước bọt gây khô miệng và mắt khô.

Khi bạn bị tổn thương dây thần kinh điều khiển tuyến nước bọt; bị bệnh nghẹt mũi; bị chứng trào ngược dạ dày thực quản; bị căng thẳng thần kinh cũng làm giảm tiết nước bọt. Những trường hợp bị bệnh mà bạn phải dùng thuốc điều trị thì có tới gần 400 loại thuốc như thuốc chống dị ứng, hạ huyết áp, chống trầm cảm. Lo âu, lợi tiểu, giảm hoặc kích thích khẩu vị… đều có tác dụng phụ làm giảm tiết nước bọt. Ở phụ nữ mang thai hoặc ở tuổi mãn kinh, sự hay đổi hormon trong cơ thể gây giảm tiết nước bọt làm rất khô miệng.

Cải thiện chứng khô miệng

Muốn điều trị bệnh gây khô miệng, trước hết, bạn cần phải đi khám để xác định rõ nguyên nhân mới có thể điều trị được bệnh gây ra khô miệng. Tuy nhiên, tự bạn có thể thực hiện các biện pháp để cải thiện chứng khô miệng như sau: thường xuyên uống nước (uống từng ngụm nhỏ). Bạn có thể nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường để nhờ động tác nhai này giúp tiết ra nhiều nước bọt, khiến nước bọt từ các tuyến lưu chuyển, hòa hợp với nhau để làm sạch miệng, phòng tránh sâu răng, viêm lợi. Bạn nên uống chút nước trong khi ăn để thực phẩm mềm ướt, dễ nhai, dễ nuốt, tăng ngon miệng. Bạn cần hạn chế ăn các loại thực phẩm dính, nhiều đường.

Mỗi bữa ăn xong là đánh răng ngay để vi khuẩn không có cơ hội làm lên men thức ăn thừa tạo ra axít làm hại men răng. Định kỳ 6 tháng/lần đi khám răng miệng để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh răng miệng, tuyến nước bọt. Bạn có thể dùng máy, quạt phun hơi nước trong phòng ngủ vào buổi tối để không khí bớt khô. Dùng nước bọt nhân tạo dưới dạng nước súc miệng, xịt, thoa miệng, viên tan trong nước cũng có tác dụng cải thiện khô miệng hiệu quả. Những việc bạn nên tránh gồm: hạn chế hoặc không uống rượu, cà phê, không thuốc lá. Không nên ăn thức ăn quá mặn, quá cay.

ThS. Bùi Ánh Nguyệt

(Theo Suckhoedoisong)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Điều trị bệnh gây khô miệng (https://www.meo.vn/dieu-tri-benh-gay-kho-mieng.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *