Đề phòng trẻ bị hóc

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Hóc các loại hạt là “tai nạn” trẻ thường gặp phải, đặc biệt trong những ngày Tết. Theo chuyên gia y tế, khi bị hóc, sặc, nguy cơ hạt hoặc vỏ hạt rơi vào đường thở rất cao; thậm chí rơi vào phổi trẻ. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, hóc, sặc sẽ gây nhiều ảnh hưởng nặng nề cho trẻ, thậm chí dẫn đến đời sống thực vật hay tử vong.


Sống thực vật vì hóc hạt mãng cầu

Tết 2010 với gia đình chị Thu (Mỹ Tho, Tiền Giang) thực sự là một cái Tết đau buồn. Mải loay hoay chuẩn bị tiếp khách, chị quên bẵng bé N. đang ăn trái mãng cầu. Đến khi nghe tiếng hét của chồng, chị mới biết bé bị hóc hạt mãng cầu. Hốt hoảng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất, sau khi sơ cứu bé được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Tuy nhiên, khi nhập viện, não của bé được xác định là đã chết. Các bác sĩ đã dùng mọi biện pháp cứu sống bé, nhưng N. đã rơi vào đời sống thực vật.

Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, hạt mãng cầu là một trong những hạt có khả năng di động. Khi bị hóc, loại hạt này sẽ di chuyển và dễ rơi vào đường thở làm tắc đường thở. Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong.

Hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương là những loại hạt ít di động. Tuy nhiên, nếu trẻ hóc mà không phát hiện và kịp thời xử trí cũng khiến trẻ bị viêm phế quản. Trẻ bị hóc đậu phộng da cá cũng dễ bị viêm phổi vì trong đậu có chứa dầu, dầu sẽ khuếch tán ra phổi, nếu không được điều trị dễ khiến trẻ bị sốt cao, ói ra mủ, nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.

Nguy cơ hóc, sặc ngày Tết

Thống kê nhiều năm cho thấy, tỉ lệ trẻ bị sặc các loại hạt nhiều nhất rơi vào trẻ mới tập bò hoặc đang tập đi chập chững. Ngày Tết, nhà nào cũng mua không ít thì nhiều những loại hạt trên để tiếp khách, vỏ hạt thường vương vãi khắp nhà. Trẻ thường bị hấp dẫn bởi những màu xanh, đỏ và những vật nhỏ mà tay bé có thể với tới. Việc bé nhặt các vỏ hạt rồi bắt chước người lớn cho vào miệng cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, còn những tình huống gây hóc ở trẻ mà nguyên nhân do cách xử trí của người lớn. Như khi phát hiện trẻ cho vỏ hạt vào miệng, ba mẹ thường hay hét lên và đưa tay vào miệng bé cố móc vỏ hạt ra. Hành động này khiến bé hoảng sợ mà nuốt chửng vỏ, hạt vào họng. Việc cố móc vỏ, hạt của người lớn càng làm tăng nguy cơ vỏ, hạt rơi vào đường phổi của bé hơn.

Trẻ vừa ăn vừa giỡn, cười, khóc… cũng rất dễ gây hóc, sặc.

Bác sĩ Sơn cho biết, thông thường, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận một ca hóc hoặc sặc nhưng mùa Tết có khi tăng từ 4-5 ca/ngày .

Phòng ngừa và xử trí khi trẻ bị hóc hay sặc

Không để các loại hạt này trong tầm với của trẻ.

Chỉ cho bé ăn hạt sau khi đã được bóc vỏ, làm mềm.

Khi ăn không để trẻ đùa giỡn hay khóc, giành giật nhau.

Nếu thấy bé có biểu hiện sặc, ho thì không nên dùng tay cố móc ra mà nên bình tĩnh để xử lý:

- Vuốt và vỗ nhẹ sau lưng bé giúp bé dễ thở.

- Nếu bé vẫn còn khó thở thì nên áp dụng phương pháp vỗ lưng (đặt nạn nhân nằm sấp, đầu thấp xuống trên cánh tay của người ứng cứu, dùng lòng bàn tay còn lại vỗ lưng 5 cái thật mạnh và nhanh ngay vùng giữa hai xương bả vai), ấn ngực (lật ngửa bé lại, dùng 2 ngón tay ấn ngực bé 5 cái). Tiếp tục thực hiện qui trình trên 5-6 lần cho đến khi bé dễ thở).

- Khi đã sơ cứu để lấy thức ăn ra hoặc nạn nhân đã thở lại được, nên chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện để bác sĩ có hướng xử trí hóc, sặc triệt để hơn.

- Trong trường hợp áp dụng các biện pháp trên mà bé vẫn không có dấu hiệu tiến triển theo hướng tích cực, thì nên đưa bé đi cấp cứu gấp để được các chuyên gia y tế điều trị tức thời theo hướng tốt nhất.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Đề phòng trẻ bị hóc (https://www.meo.vn/de-phong-tre-bi-hoc.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *