Để an toàn hơn khi lái xe trong kỳ nghỉ

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

(Webtretho) Trong dịp nghỉ Tết, chắc hẳn bạn cùng gia đình và bạn bè có rất nhiều dự định đi chơi dài ngày. Tuy nhiên cũng sẽ có rất nhiều người "đổ xô" đi nghỉ ngơi như bạn, vì vậy bạn cần có lịch trình cụ thể cho chuyến đi để tránh phải chen chúc, mất chỗ. Và nếu bạn đi tự túc hay là tài xế cho mọi người thì càng cần phải lưu ý những điều sau cho một chuyến đi an toàn:

(Bài viết hướng đến gia đình dùng ô tô làm phương tiện đi lại chủ yếu trong các chuyến đi xa trong dịp Tết.)

1. Xác định tâm trạng của bản thân
Bạn có đang mệt mỏi, chóng mặt hay có hơi ngà ngà say không? Tâm trạng của bạn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tay lái đường dài, vì thế bạn cần biết được tình trạng sức khỏe cũng như tâm trạng mình có cân bằng, ổn định hay không. Đừng lái xe khi bạn quá phấn khích hay tức giận bởi lúc này bạn rất khó làm chủ được tay lái, và tuyệt đối bạn không được uống rượu bia trước và trong khi điều khiển xe. Người điều khiển ô tô và xe máy không được phép có nồng độ cồn vượt quá  50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/ lít khí thở, vi phạm quy định này là bạn đang gây nguy hiểm cho chính mình, cho những người xung quanh, chưa kể còn có thể sẽ bị phạt tới 15 triệu đồng.

Cần cân bằng tâm trạng khi lái xe (Ảnh: Inmagine)

2. Mở cửa sổ mỗi khi bạn buồn ngủ
Đi đường dài không thể tránh việc bạn buồn ngủ trong lúc lái xe. Nếu chưa quá buồn ngủ, bạn có thể mở cửa sổ hai bên để cảm nhận không khí bên ngoài, gió lùa và âm thanh xe cộ qua lại để tỉnh táo và tập trung hơn. Trò chuyện với mọi người trên xe cũng giúp bạn mau chóng lấy lại tinh thần. Tuy nhiên, nếu bạn đã quá buồn ngủ, tốt nhất hãy nhờ ai khác có khả năng lái ô tô thay vị trí, hoặc ỗ xe ở một khu vực an toàn và chợp mắt trong vòng 10 - 15 phút.

3. Kiểm tra xe và trang bị các thiết bị hỗ trợ, sơ cứu cần thiết
Dù đi đường dài hay ngắn, bạn vẫn luôn phải thực hiện bước này để đảm bảo sự an toàn cho mình và người thân đi cùng. Trước ngày khởi hành, bạn hãy mang xe ra tiệm kiểm tra về động cơ, thắng, bánh xe và các bộ phận khác. Bạn cũng cần đổ đầy xăng, mang theo đèn pin, bản đồ của vùng sắp đến hay thiết bị dò tìm GPRS, một vài dụng cụ sữa chữa xe và hộp sơ cứu phòng trong trường hợp có tai nạn.

Kiểm tra mọi thứ để đảm bảo an toàn cho chuyến đi (Ảnh: Inmagine)

4. Lưu ý khi đi xa cùng trẻ nhỏ
Trong quá trình đi xe, bạn và các thành viên khác phải luôn đeo đai an toàn. Trẻ dưới 12 tuổi luôn phải ngồi ghế sau và cần có người lớn ngồi cùng để giám sát. Trẻ sơ sinh đến 7 tuổi cần được sử dụng ghế ô tô cho trẻ em, một số thông tin chọn ghế ô tô cho trẻ theo tiêu chuẩn châu Âu như sau:

- Nhóm 0: dành cho trẻ dưới 1 tuổi, nặng dưới 10kg. Đây là nhóm trẻ chưa tự ngồi lâu được, vì  vậy cần gắn ghế ngồi riêng cho trẻ sơ sinh trên ghế sau ô tô.

- Nhóm 0+: Dành cho trẻ dưới 1,5 tuổi, nặng dưới 13kg. Ghế của nhóm trẻ này được gắn ngược với hướng ghế trên xe, nhằm giảm tối đa nguy cơ gây chấn thương khi xảy ra tai nạn. Ghế này có thể được sử dụng như nôi xách tay.

- Nhóm 1: Dành cho trẻ từ 1 - 4 tuổi, nặng từ 8 - 18kg. Bạn có thể đặt ghế riêng biệt này cùng hay ngược chiều với ghế ô tô.

- Nhóm 2: Dành cho trẻ từ 3 - 7 tuổi, nặng từ 15 - 25kg. Trẻ ở nhóm tuổi này đã có sự phát triển về chiều cao nên ghế được sản xuất theo tính toán theo chiều cao của trẻ nhằm tạo sự thoải mái. Bạn có thể điều chỉnh hoặc bỏ lưng ghế, đặt ghế cùng chiều với ghế ô tô.

- Nhóm 3: Dành cho trẻ từ 6 - 10 tuổi, cân nặng từ 22 - 36kg. Chúng không có tựa lưng, giống như một tấm đệm dưới, loại ghế này giúp nâng cao vị trí trẻ ngồi để sử dụng đai an toàn của xe.

An toàn của bé là niềm vui của mẹ (Ảnh: Inmagine)

Bạn nên kiểm tra cân nặng, chiều cao của con cùng thông tin về các loại ghế phù hợp để có chọn lựa tốt nhất, sau đó nghiên cứu và lắp đặt theo hướng dẫn thật chính xác. Ngoài ra, do hầu hết các chi tiết chịu lực của ghế làm từ nhựa nên bạn không nên dùng ghế quá 6 năm để đảm bảo an toàn.

5. Để điện thoại trong túi xách
Hãy để điện thoại trong túi xách hoặc nhờ người đi cùng giữ hộ, vì việc giữ điện thoại bên mình rất dễ khiến bạn bị phân tán và có nguy cơ gây ra tai nạn gấp 4 lần so với bình thường. Bạn có thể dùng tai nghe bluetooth để hạn chế các hoạt động khác ngoài lái xe, tuy nhiên một số nhà nghiên cứu vẫn khuyến cáo bạn không nên nghe điện thoại khi lái xe để đảm bảo mức độ an toàn tốt nhất.

6. Hạn chế ăn uống sau vô lăng
Theo nghiên cứu của một trang thông tin uy tín chuyên tìm hiểu về các nguy cơ gây tan nạn giao thông thì việc ăn, uống trong khi lái xe cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm; bạn có thể bị sặc, nghẹn... làm ảnh hưởng đến sự tập trung lái xe. Hãy dừng xe lại để tận hưởng món bánh bạn yêu thích, hoặc ghé vào quán ăn bên đường để giải quyết cái bao tử đang réo của bạn trước nhé.

Một chuyến đi xả hơi thật thoải mái cùng gia đình (Ảnh: Inmagine)

Với không khí nhộn nhịp cuối năm, bạn và gia đình hãy cẩn trọng sức khỏe, lên kế hoạch kỹ càng cho một chuyến đi chơi dài ngày thoải mái. Và hãy nhớ xem xét lại mọi thông tin an toàn cần thiết khi ngồi sau vô lăng, bạn nhé!

 

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Để an toàn hơn khi lái xe trong kỳ nghỉ (https://www.meo.vn/de-an-toan-hon-khi-lai-xe-trong-ky-nghi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *