Dấu hiệu tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Khi có con, ai cũng mong muốn con mình có đôi mắt đẹp, khỏe mạnh vì đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn.

Tuy nhiên, có những em bé thường xuyên bị chảy nước mắt, mắt ướt đỏ và có dử. Mặc dù được dùng thuốc nhưng tình trạng trên không đỡ. Phần lớn các trường hợp này bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Vậy tắc lệ đạo bẩm sinh là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Nước mắt được tiết ra như thế nào?

Nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ trong suốt cả ngày để bôi trơn mắt và rửa sạch các chất bẩn, bụi bám trong mắt. Bình thường, nước mắt được bài tiết liên tục. Nước mắt làm ướt bề mặt nhãn cầu, sau đó dồn về góc trong mắt và được dẫn xuống mũi qua một hệ thống ống gọi là lệ đạo.

Khi mắt bé ướt đỏ, nhiều dử, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được thông lệ đạo sớm.

Ngay sau khi trẻ sinh ra, tuyến lệ chưa hoạt động, vì thế mà trẻ mới đẻ khóc không có nước mắt. Sau đẻ từ 1 tuần đến 10 ngày, tuyến lệ bắt đầu có hoạt động bài tiết. Bởi vậy, chỉ sau thời gian này, trẻ khóc thì mới có nước mắt.

Sau khi được tiết ra, nước mắt sẽ tập trung vào vùng góc trong mắt. Nước mắt sẽ được dẫn xuống mũi qua một hệ thống là lệ đạo. Đây là một hệ thống ống có cấu trúc khá phức tạp. Khi sinh ra, phần lớn hệ thống ống này chưa thông hoàn toàn. Có tới  7% số trẻ sinh ra bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Nếu trẻ đẻ non, nguy cơ tắc lệ đạo bẩm sinh còn cao hơn.

Biểu hiện của tắc lệ đạo bẩm sinh

Khi bố mẹ thấy mắt trẻ ướt thường xuyên, mắt đỏ hoặc có dử, nặng hơn có thể thấy vùng góc trong mắt phồng hơn, ấn vào đó có nhầy mủ trào ra ở khóe trong của mắt.

Tắc lệ đạo bẩm sinh không phải là bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phải đưa trẻ đi khám sớm để bác sĩ chuyên khoa mắt có thể chẩn đoán, loại trừ các bệnh khác cũng gây chảy nước mắt như glocom, quặm bẩm sinh, tổn thương ở giác mạc.

Nên được điều trị sớm

Sau khi phát hiện trẻ bị tắc lệ đạo, cha mẹ cần day nắn vùng túi lệ ở góc trong mắt để tạo nên áp lực làm vỡ chỗ tắc, giúp cho lệ đạo thông tốt. Cũng có thể dùng thêm kháng sinh tra mắt theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ không nên quá sốt ruột vì bệnh có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần. Sau 2 tháng tuổi, nếu trẻ còn chảy nước mắt, cần đưa các cháu đến bệnh viện chuyên khoa mắt để được thông lệ đạo. Tuy nhiên, nếu thông muộn quá, khi trẻ lớn hơn 1 tuổi thì tỷ lệ thông thành công sẽ rất thấp. Vì vậy, cần đưa trẻ đi thông vào thời điểm 4-6 tháng là tốt nhất.

TS. Phạm Ngọc Đông – BV Mắt TW

(Theo Suckhoedoisong)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Dấu hiệu tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ (https://www.meo.vn/dau-hieu-tac-le-dao-bam-sinh-o-tre.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *