Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
Trước đây nói đến việc điều trị bệnh ung thư tức là nói tới hoá trị liệu. Tuy nhiên, những kết quả khả quan của việc dùng hoá chất mang lại cũng song hành với tỷ lệ tử vong cao do biến chứng. Sự ra đời của phương pháp ghép tế bào gốc hay ghép tủy đã trở thành biện pháp hỗ trợ đắc lực cho các phác đồ hoá trị liệu liều cao. Ngày 16/12/2010, với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Viện Huyết học –Truyền máu Trung ương, Bệnh viện(BV) 19-8 Bộ Công an đã thực hiện ca ghép tế bào gốc (TBG) tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương.
Tách chiết tế bào gốc từ máu ngoại vi.
Người chiến sĩ – bệnh nhân may mắn
Cuối năm 2009, thượng tá Nguyễn Văn B., 53 tuổi, Công an thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên bắt đầu thấy xuất hiện triệu chứng đau lưng. Ban đầu anh và gia đình nghĩ do tuổi tác và mang vác nặng, nhưng triệu chứng đau ngày càng dữ dội với cường độ thường xuyên khiến anh không chịu nổi. Đi khám được chẩn đoán là thoái hóa cột sống. Một thời gian dài điều trị ở BV tỉnh nhưng đau lưng vẫn không thuyên giảm. Ngày 10/8/2010, anh được chuyển lên BV 19-8, tại đây, các bác sĩ (BS) đã chẩn đoán: đa u tủy xương (một dạng ung thư). Anh được y bác sĩ BV 19-8 tư vấn và giải thích cặn kẽ về phương pháp ghép TBG, tức TBG được lấy từ chính cơ thể người bệnh kết hợp cùng hóa chất liều cao để điều trị hiệu quả và triệt để căn bệnh ác tính này.
Hành trình ghép TBG
Trước đây, nguồn TBG được sử dụng cho ghép tự thân thường là tuỷ xương của BN. Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật ly tách tế bào, TBG gạn tách từ máu ngoại vi đã nhanh chóng thay thế tuỷ xương và trở thành nguồn TBG chủ yếu cho phương pháp ghép. Nếu TBG được lấy từ chính BN rồi truyền lại cho BN đó gọi là ghép TBG tự thân. Ngược lại, nếu TBG được lấy từ người cho BN nhưng cùng huyết thống, hoà hợp HLA thì được gọi là ghép TBG đồng loại.
Ca ghép của bệnh nhân B. đã được chuẩn bị kỹ càng trong 3 tháng, trải qua các giai đoạn sau:
Thành phần của tế bào máu.
Giai đoạn huy động TBG tạo máu: TBG tạo máu là tế bào đầu dòng sản sinh toàn bộ các tế bào máu trong cơ thể. Bình thường chỉ có một tỉ lệ nhỏ. Khi ghép TBG chúng ta cần một lượng khá lớn, khoảng 3 x 106/1kg cân nặng BN. TBG tạo máu còn được huy động bằng cách tiêm thuốc kích thích sinh bạch cầu dược chất G-CSF dưới da bụng ngày 2 lần cách nhau 12 tiếng trong 5 ngày.
Giai đoạn thu thập TBG: Bệnh nhân B. đã được dùng máy gạn TBG gạn trong 2 ngày, mỗi ngày 4 tiếng. TBG được thu bằng cách: dùng máy gạn tế bào chuyên dụng thông qua hai đường truyền được cắm vào tĩnh mạch ở hai tay (đường ra: máu tĩnh mạch trong cơ thể sẽ chảy qua máy gạn tế bào, máy sẽ nhận diện và giữ lại TBG, chảy vào một túi riêng. Còn các thành phần khác theo đường vào của tay kia trả lại cơ thể người bệnh). Khối TBG thu được với số lượng tế bào đủ để ghép được bảo quản trong tủ lạnh chuyên dụng từ 2-60 C.
Giai đoạn diệt tủy: được tiến hành trước khi ghép tủy 1 ngày (15/12) để chuẩn bị cho ngày 16/12 ghép. Đây là giai đoạn quan trọng dùng hóa chất liều cao để tiêu diệt các tế bào bệnh lý.
Giai đoạn truyền trả lại khối TBG: khối TBG với số lượng đủ tiêu chuẩn sẽ được truyền vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch. Sau khi truyền vào cơ thể, các TBG sản sinh ra các tế bào máu hỗ trợ cơ thể sống. Giai đoạn này quyết định thành công của ghép TBG. BN sẽ phải trải qua giai đoạn suy tủy, giảm các tế bào máu trong đó có các tế bào bảo vệ cơ thể: bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu… sẽ là nguy cơ lớn gây tình trạng nhiễm khuẩn, thiếu máu, xuất huyết… Trong quá trình truyền TBG, BN phải được phối hợp dùng kháng sinh phổ rộng, các chế phẩm máu thay thế, dinh dưỡng tĩnh mạch và đường miệng, đặc biệt công tác cách ly vô khuẩn rất quan trọng quyết định sự thành công của ca ghép.
BS. Nguyễn Thị Lệ Ninh, một trong những người trực tiếp tham gia ghép TBG cho biết: “Lo lắng nhất là khi truyền trả TBG, BN thường có thể bị sốc phản vệ: rét run, buồn nôn, nôn… Chúng tôi đã sử dụng thuốc để đề phòng và rất may trong suốt quá trình truyền TBG, bệnh nhân không có phản ứng gì nghiêm trọng”.
Với thành công bước đầu của ca ghép TBG tự thân đầu tiên, PGS. TS. Nguyễn Anh Trí-Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cũng tin tưởng trong tương lai không xa, với sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Trung tâm Huyết học-Truyền máu BV 19-8 sẽ tiến hành ghép được TBG đồng loại.
Ghép tế bào gốc tự thân được ứng dụng rộng rãi
PGS.TS. đại tá Trần Minh Ðạo, Giám đốc BV 19-8 cho biết: “Hiện nay, ghép TBG tự thân đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh khác nhau thuộc rất nhiều chuyên khoa, cụ thể: các bệnh máu ác tính như lơ-xê-mi cấp, kinh, đa u tủy xương, u lympho ác tính...; các ung thư dạng đặc như ung thư vú, gan, thận, phổi, đại tràng…; các bệnh tự miễn như viêm đa khớp dạng thấp, xuất huyết giảm tiểu cầu…” .
Ghép TBG tự thân giúp cho tủy xương của bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, rút ngắn một cách đáng kể thời gian suy tủy sau hoá trị liệu liều cao, giảm tỷ lệ tử vong do các biến chứng nhiễm trùng và xuất huyết. Ở Việt Nam, ghép TBG đã được thực hiện thành công tại TP. Hồ Chí Minh, Huế, BV Trung ương Quân đội 108, Viện Huyết học-Truyền máu, BV Nhi Trung ương. Ngày 16/12/2010, BV 19-8 Bộ Công an đã thực hiện thành công kỹ thuật này.
- Mang theo một lọ tinh dầu thiên nhiên để phòng các bệnh dịch.
- Hãy để ý gài chốt an toàn và mở hé với chặn cửa móng ngựa cho thoáng.
- Nên đeo trên người món trang sức đá phong thuỷ để gặp may mắn.
- Tăng năng suất công việc gấp 3 tại Trello Việt Nam.
- Tìm hiểu và mua thiết bị y tế để kiểm tra sức khoẻ, test nhanh, đo huyết áp
- Tìm hiểu và mua thiết bị điện tại Hecico để có giá tốt nhất thị trường
Bài viết: Cứu cánh của bệnh nhân ung thư (https://www.meo.vn/cuu-canh-cua-benh-nhan-ung-thu.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.