Cuối năm: phòng ngừa trẻ bị phỏng

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Cứ vào dịp cuối năm, bệnh nhân khoa Phỏng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM lại tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu do người lớn bận rộn giải quyết những chuyện tồn đọng trong năm, chuẩn bị đón năm mới nên lơ là việc chăm sóc trẻ. Không ít tai nạn đáng tiếc đã xảy ra cho trẻ, đặc biệt là phỏng.

Toàn thân bé M.A quấn đầy băng trắng, bé mới được một tuổi. Hai tay và đôi chân của bé được cột chặt trên giường bệnh để hỗ trợ việc điều trị, ai nhìn bé cũng thương xót. Điều dưỡng phụ trách cho biết, mẹ bé vô ý để ca nước sôi trên đầu giường, bé với tay chụp lấy và hứng trọn ca nước, phỏng 30%.


Điều trị tốn kém, hậu quả lâu dài

ThS-BS Nguyễn Bảo Tường, Trưởng khoa Phỏng và Tạo hình BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, dịp cuối năm và đầu năm là thời điểm bệnh nhi (BN) nhập viện khoa Phỏng tăng lên. Trung bình mỗi tháng có khoảng 40 em, thì vào những tháng trên, số BN có thể tăng lên 60 em. Thường gặp nhất ở nhóm trẻ bắt đầu biết bò đến 5 tuổi là phỏng thức ăn, nước sôi. Đặc biệt, cuối năm và Tết là thời điểm TP.HCM bước vào mùa khô, nên ngoài BN phỏng nước sôi, thức ăn còn có nhiều BN phỏng lửa, điện…

Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường cũng khuyến cáo, nhìn bên ngoài, phỏng có vẻ không gây nhiều hậu quả nặng nề nhưng thường để lại di chứng về chức năng và thẩm mỹ cho trẻ. Trước tiên, BN phải trải qua một quá trình điều trị lâu dài trên giường bệnh, trong đó có không ít bé vì đau đớn không chịu nổi mà bị strees hay xuất huyết tiêu hóa.

Về tâm lý, các bé bị phỏng chịu cú sốc tâm lý rất mạnh khi cảm nhận sự thay đổi hình dáng xấu đi. Đặc biệt đối với các bé gái, nếu chẳng may phỏng ở vùng mặt, vùng kín hay vùng ngực thì về sau tâm lý càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Có nhiều trường hợp bé gái mặc cảm về hình dáng của mình mà không quay lại điều trị nữa, ảnh hưởng nặng nề đến tương lai sau này.

Phòng ngừa

Ở trẻ sơ sinh, nhiều trường hợp người lớn pha nước tắm cho trẻ mà quên pha thêm nước lạnh. Bác sĩ khuyên: chúng ta nên pha nước nóng vào chậu nước lạnh. Ngoài ra, trước khi tắm cho bé cũng cần thử lại nước bằng cách đưa bàn tay vào chậu nước, nếu thấy âm ấm là được.

Một số bé bị phỏng vùng lưng do nằm than cùng mẹ, vì vậy, nếu mẹ có nằm than cũng cần bố trí cho trẻ nằm ở chỗ khác an toàn hơn.

Mỗi gia đình nên tổ chức bếp ăn ngăn nắp, cẩn thận khi dùng than, củi.

Tránh để thức ăn, nước uống nóng trong tầm với của trẻ.

Để đề phòng phỏng điện, phụ huynh cũng có thể phòng ngừa cho trẻ bằng cách sử dụng những ổ cắm điện an toàn hiện có bán trên thị trường, bố trí ổ cắm ở nơi trẻ không sờ tới được, hoặc che đậy kỹ càng.

Sơ cứu ban đầu trong trường hợp bé bị phỏng: Đầu tiên, tách bé ra khỏi tác nhân gây phỏng như nước sôi, bàn ủi, lửa, pô xe… Để vết thương không ăn sâu vào da thịt bé, phụ huynh nên dùng nước lạnh rửa nhẹ nhàng lên vùng bị phỏng giúp giảm nhiệt độ. Dùng vải sạch hay băng gạc băng lên vết thương rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Tuyệt đối không bôi nước mắm, thuốc hay bất cứ chất gì vào vết thương vì dễ gây nhiễm trùng, khiến quá trình điều trị khó khăn hơn.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Cuối năm: phòng ngừa trẻ bị phỏng (https://www.meo.vn/cuoi-nam-phong-ngua-tre-bi-phong.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *