Con xung đột, giải quyết ra sao?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Bình tĩnh giải quyết xung đột của con sẽ giúp con trẻ có kỹ năng xử lý tốt những tình huống mâu thuẫn trong cuộc sống

Khi các con cự cãi, mâu thuẫn, đôi khi cha mẹ phát... điên đầu với chúng. Làm sao để các con luôn hòa thuận và gia đình hạnh phúc? Để có được điều tưởng chừng đơn giản này, cha mẹ phải bình tĩnh giải quyết các tình huống cụ thể.

Minh họa: NGUYỄN TÀI

Tại anh hai, tại bé út và cả... tại mẹ!

Chị Hồng Thanh (Q.1-TPHCM) có hai con trai học lớp 2 và lớp 4. Vì tuổi sát nhau nên hai anh em thường chơi đùa với nhau. Khi thì thân thiết, cười rộn vang, ba mẹ bảo thôi cũng không được nhưng lắm lúc hai anh em đùa giỡn quá đà đâm ra cự nhau ồn ào không kém... Thứ bảy rồi, chị vừa đi trực về, mở cửa ra đã thấy trên sàn đầy đồ chơi lego, gối mền lẫn với mấy cuốn truyện tranh Doremon, Bu Bu...; còn hai anh em đang bu bên máy vi tính, giành nhau ỏm tỏi.

Mệt mỏi sau một ngày làm việc, chị phát bực với cảnh nhà như bãi chiến trường, lại nhức đầu vì tiếng cãi nhau của con, chị cầm roi quất vào mông mỗi đứa 3 cái. Đứa nhỏ la lên: “Con không có lỗi, tại anh hai, sao mẹ đánh con dữ vậy?”. Đứa lớn cũng to mồm: “Tại em, con biểu nó dẹp mà nó không dẹp, cứ giành hết cái này tới cái kia. Mẹ chưa biết việc gì đã đánh con”, rồi hòa điệu... hu hu cùng em.

Nghe hai con “bật” lại đều có lý, chị trách mình sao quá nóng, không chịu tìm hiểu sự việc mà đã đánh con. Hít sâu thở dài để bình tĩnh hơn, chị hỏi trình tự từng sự việc và phân tích cho các con thấy chỗ đúng, chỗ sai. Sau cùng, chị bảo hai con xin lỗi và ôm hôn nhau để thể hiện tình cảm anh em. Chị cũng xin lỗi hai con vì đã quá nóng giận.

Bình tĩnh xử lý và làm gương cho trẻ

Theo chị Thanh Mai, chuyên viên tư vấn tâm lý công ty A.V.S., khi các con “đụng” nhau, bất đồng hoặc tranh cãi... là lúc chúng đang học được những kỹ năng quan trọng có thể giúp ích cho cuộc sống. Cha mẹ cần bình tĩnh phân tích tình huống để đưa ra những lời giáo huấn hữu ích. Có như vậy, con trẻ mới thoải mái tiếp thu với lời dạy bảo và sẵn sàng sửa sai. Qua đó, trẻ có thể học tập và phát triển tốt về kỹ năng sống, biết xử lý các tình huống trong việc bảo ban nhau cùng làm việc hoặc khi có xung đột...

Điều quan trọng mà các nhà tâm lý nhấn mạnh là cha mẹ cần quan sát mối quan hệ của các con và giúp trẻ ứng xử một cách phù hợp. Đặc biệt, cha mẹ nên tránh dùng bạo lực đối với con cho dù chỉ là lời đe dọa, chửi mắng. Chỉ khi cha mẹ làm chủ được cảm xúc của mình mới dạy trẻ bình tĩnh giải quyết những xung đột trong gia đình. Nhờ đó, khi ra ngoài xã hội, trẻ sẽ không ứng xử bằng bạo lực với bạn bè và người khác.

Cha mẹ làm gì khi các con ẩu đả?

Cha mẹ cần có những phản ứng khác nhau đối với những mức độ xung đột khác nhau giữa các con. Khi trẻ bất đồng và tranh cãi với nhau, đó là lúc chúng đang học được những kỹ năng quan trọng có thể giúp ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần đặt những giới hạn căn bản.

Mức độ một: Bất đồng thông thường - Làm ngơ. Nghĩ về điều thú vị gì khác.

- Tự nhủ với bản thân rằng đây là một cơ hội để trẻ học được kinh nghiệm quan trọng về cách giải quyết xung đột.

Mức độ hai: Tình huống bắt đầu căng thẳng. Có thể cần sự can thiệp của người lớn - Thừa nhận sự tức giận của trẻ: “Hình như hai con đang bực mình với nhau!”.

- Xác lập quan điểm của mỗi bên: “Ồ, Mai. Con muốn giữ chú mèo này vì nó vừa mới leo lên tay con hả? Còn Hùng, con nghĩ là đã đến lượt con chơi với chú mèo phải không?”. - Mô tả vấn đề với tinh thần tôn trọng: “Chà, điều này thật sự khó đây. Chỉ có một chú mèo mà có đến hai đứa trẻ”.

- Thể hiện là mình tin vào khả năng giải quyết của trẻ: “Ba/mẹ biết là hai con có thể giải quyết chuyện này sao cho công bằng nhất – và làm sao ổn cho cả chú mèo này nữa”.

Mức độ ba: Tình huống có thể nguy hiểm. - Dò hỏi: Đây là đánh nhau chơi hay thật vậy? - Đưa ra quy luật trong gia đình: Đánh nhau chơi thì được còn đánh nhau thật thì không được. Phải dừng ngay lại, nếu điều này không phải là trò đùa của hai trẻ.

Mức độ bốn: Tình huống hoàn toàn nguy hiểm. Cần có sự can thiệp của người lớn. - Mô tả lại những gì cha mẹ thấy: “Ba/Mẹ thấy hai con rất giận dữ với nhau và sắp làm hại nhau”.

- Tách bọn trẻ ra: “Bây giờ chơi với nhau không còn an toàn nữa. Hai con cần bình tĩnh lại. Mỗi người đi vào phòng của mình ngay!”.

BS Phạm Ngọc Thanh (Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Con xung đột, giải quyết ra sao? (https://www.meo.vn/con-xung-dot-giai-quyet-ra-sao.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *