Con không muốn về nhà!

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Đừng vội kết luận khi nghe con bạn nói: “Con không muốn về nhà”, hãy lắng nghe để trở thành bạn của con, để chúng không bao giờ chúng phải nói ra câu đó.

 

Nghe tiếng chuông tôi vội vàng ra mở cửa, tự hỏi không biết ai đến chơi vào giờ này. Hoá ra là Lâm thằng cháu con ông anh tôi. Thấy mặt mũi nó bờ phờ tôi gặng hỏi:

- “Cháu đi đâu về mà trông mặt mày phờ phạc thế?”

- “Cháu đi học về cô ạ! Hôm qua cháu thức khuya, hôm nay lại học cả ngày, cháu mệt quá. Cô cho cháu ở nhà cô tạm mấy ngày nhé. Cháu mệt mỏi quá, cháu sợ học rồi, cháu không muốn về nhà nữa”.

Không biết chuyện gì xảy ra tôi thấy lo lo, gắng hỏi han mãi Lâm mới kể cho tôi nghe:

Hơn một năm nữa là cháu thi đại học, cháu muốn thi vào Ngân hàng nhưng bố mẹ cháu nhất định bắt cháu thi vào trường Y. Cháu đã nói rõ với bố mẹ là cháu không thích học Y, từ nhỏ đến lớn cháu đều nghe theo bố mẹ mọi chuyện, bay giờ chuyện này liên quan đến nghề nghiệp của cháu sau này cháu muốn làm theo sở thích của mình. Nhưng bố mẹ cháu không chịu hiểu, bố cháu còn bảo: “Chúng nó mong có cha mẹ làm trong ngành không được, mình có bố mẹ làm trong ngành rồi mà không chịu tận dụng. Có ai sướng như mày không, bố mẹ lo cho học lại lo cho cả công ăn việc làm trong một bệnh viện lớn như thế. Mày còn muốn như thế nào nữa. Có voi đòi tiên”.

Khi cháu viện lý do trường đó lấy điểm cao quá, con sợ không thi nổi thi bố cháu bảo còn hơn một năm nữa, thừa thời gian để cố gắng. Thế là từ đấy bố cháu tìm đủ các lớp cho cháu học thêm, tối còn thuê gia sư kèm cặp riêng cháu nữa. Ngày nào cũng học từ sáng đến tối khuya, đầu cháu lúc nào cũng căng như dây đàn. Có hôm căng thẳng quá cháu nghỉ học đến nhà mấy người bạn cho đầu óc sảng khoái hơn. Bố mẹ cháu hỏi thầy thấy cháu nghỉ học thế là mắng cháu là thằng hư hỏng: “Mày bắt đầu hư hỏng từ khi nào thế hả? Bố mẹ đầu tư cho học những thầy tốt nhất, mày còn không biết điều”. Cháu chán về nhà lắm rồi cô ạ. Về nhà cứ nhìn thấy bố mẹ là nhìn thấy học, cháu xem tivi, nghe nhạc một chút mẹ cháu cũng la: “Bây giờ là lúc nào rồi mà con còn nghe nhạc, thi đến nơi rồi đấy con ạ…”.
Không chỉ có chuyện học, bố mẹ cháu quan tâm xét nét cả những người bạn của cháu. Bạn bè cháu đến nhà chơi, thậm chí là học nhóm bố mẹ cháu cũng hỏi cặn kẽ xem bạn đó là ai, lực học ở lớp thế nào, hoàn cảnh gia đình ra sao. Cháu có thắc mắc thì bố cháu bảo: “Con nên chọn bạn mà chơi, nên chơi với những bạn học lực khá giỏi trong lớp, ngoan ngoãn hiền hành, hoàn cảnh gia đình đàng hoàng tử tế. Những người bạn ấy mới chịu khó học hành, như thế mới cùng nhau tiến bộ được”. Không chỉ có thể, mẹ cháu cho cháu tiền tiêu cũng phải hỏi cháu tiêu vào việc gì? Không quên kèm theo câu dặn dò: “Không được dùng tiên mẹ cho vào chơi điện tử. Thời gian không còn nhiều nữa đâu, chịu khó mà học”. Cháu biết là bố mẹ nói đúng và quan tâm đến cháu nhưng mà bố mẹ làm thế cháu thấy mình như một con “gà công nghiệp” ấy cô ạ”.

Sau khi phân bua một hồi thằng bé năn nỉ: “Thôi cô cho cháu ở đây vài ngày nhé, cháu vừa học vừa chơi với em Bi cho thoải mái cô ạ. Cô gọi điện cho bố cháu chắc bố cháu đồng ý đấy”. Nói rồi thằng bé lao vút lên cầu thang chơi với cu Bi - con trai tôi như để tung hết những căng thẳng, bực dọc trong người.

Trái ngược với Lâm được bố mẹ chăm lo một cách thái quá thì Nguyên lại không nhận được sự quan tâm từ bố mẹ. Nhà Nguyên thuộc loại khá giả. Bố mẹ em đi làm ăn xa, một tháng chỉ đảo qua nhà đôi ba lần. Toà nhà 5 tầng đầy đủ tiện nghi nhưng chẳng có ai ở ngoài Nguyên và hai bác giúp việc. Tiền tiêu sài mua sắm Nguyên không bao giờ thiếu, hết tiền gọi mẹ mẹ lại gửi vào thẻ ATM cho. May mà con bé cũng ngoan nên vắng bố mẹ mà không chơi bời hư hỏng.

Thế nhưng mỗi khi nhìn thấy bạn bè được đi chơi cùng gia đình cuối tuần, được mẹ đưa đi mua sắm cái này cái kia, gặp chuyện vướng mắc thì chạy về nhà nhờ mẹ “quân sư” mà Nguyên thấy thèm khát. Nguyên thân với con gái chị nên hai đứa lúc nào cũng quấn lấy nhau, nó coi chị như mẹ của mình. Con bé tâm sự thường không muốn về nhà vì mỗi khi về nhà nhìn nhà cao rộng mà không có người lại thấy tủi thân.

Hay như chuyện nhà hàng xóm có hai cô con gái sàn sàn tuổi nhau cách nhau hai tuổi nhưng mọi việc lớn bé trong nhà từ nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà… đều một tay cô chị làm. Thảo có sai em làm gì nó cũng viện lý do là đau này đau kia nhưng ngồi xem tivi, nghe nhạc. Thảo có ý kiến với mẹ thì mẹ Thảo luôn nói “phải nhường nhịn em, làm chị thì không được tị nạnh với em. Em nó nhỏ con chiều nó chút. Hễ Thảo than thở gì với mẹ về em là mẹ lại bênh cô em lười nhác chằm chặp. “Cháu muốn sang bà ngoại ở vài hôm hoặc vài tháng cũng được cô ạ. Cháu không thích mẹ cháu thiên vị như thế. Cháu muốn mẹ cháu công bằng hơn trong việc đối xử với hai chị em…”, Thảo than thở.

Tôi không biết các bậc cha mẹ khi đọc được những câu chuyện này sẽ nghĩ gì. Đừng vội kết luận khi nghe con bạn nói câu: “Con không muốn về nhà”, hãy lắng nghe để trở thành những người bạn của con cái và để chúng tự rút lại câu nói trên và để không bao giờ chúng phải nói ra câu đó. Hãy để gia đình luôn là bến đỗ của con trẻ.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Con không muốn về nhà! (https://www.meo.vn/con-khong-muon-ve-nha.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *