Cơ thể bé mọc mụn nhìn như nốt rôm, có nước, sờ thấy hơi cứng có phải bệnh sởi?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Chào bác sĩ, con trai cháu 14 tháng, nặng 13kg, cao 85cm, cách đây 10 ngày có hiện tượng húng hắng ho, chúng cháu cho uống siro ho ích nhi, 6 – 7 ngày không khỏi nên chuyển sang uống siro chanh – gừng – mật ong, trong thời gian đó thỉnh thoảng thấy bé có chảy nước mũi, 2 ngày nay đỡ ho nhưng lại thấy bắt đầu có nốt mọc sau và trên vành 2 tai, lưa thưa ở má, ngực, trán sát chân tóc, nhìn như nốt rôm, có nước, đầu nốt trắng, sờ thấy lần sần hơi cứng, tốc độ lan rất chậm. Bé vẫn ăn ngon, ngủ ngon chơi bình thường, không sốt, không tiêu chảy. Như vậy em bé nhà cháu có phải có hiện tượng sởi không bác sĩ. Cảm ơn bác sĩ.

Ảnh minh họa – Internet

BS. Nguyễn Thị Thúy

Chào em,
Sởi là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền rất nhanh, xảy ra quanh năm, cao nhất vào mùa xuân và có ở khắp nơi trên thế giới. Bệnh gây thành dịch, những người tiếp xúc với người mắc sởi sẽ bị lây, nếu chưa được tiêm phòng hay chưa có miễn dịch với bệnh sởi.
Vi rút sởi gây bệnh cho người chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi làm bắn những giọt nước li ti, người lành hít phải sẽ bị mắc bệnh. Người mắc bệnh sởi có thể lây bệnh cho người lành thời gian từ 4 ngày trước khi ban đỏ xuất hiện.
Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ 1-4 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng ít mắc vì có miễn dịch của mẹ. Người lớn rất ít mắc bệnh vì thường đã bị mắc từ bé. Nhưng nếu người lớn mắc bệnh bệnh thường rất nặng, hay gặp những người ở vùng rừng núi, hẻo lánh, đảo xa… vì từ nhỏ chưa tiếp xúc với vi rút sởi hay chưa tiêm phòng sởi. Bệnh thường gặp ở mùa đông xuân. Sau khi khỏi bệnh tạo miễn dịch bền vững. Bệnh sởi gây suy giảm miễn dịch nên bệnh nhân dễ mắc thêm các bệnh khác (tiêu chảy, viêm phé quản…).
Biểu hiện khi mắc bệnh sởi thể chia làm các giai đoạn :
- Thời kỳ ủ bệnh: (từ lúc bị nhiễm đến lúc có triệu chứng bệnh) khoảng 10 ngày: trẻ có thể sốt nhẹ.
- Thời kỳ khởi phát (thời kỳ viêm long): 3-4 ngày. Thời kỳ này lây mạnh nhất, kéo dài từ 3-5 ngày với các biểu hiện sau:
+ Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5-40 độ C, có thể sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp.
+ “Viêm long” (giống như cảm cúm): biểu hiện ở mắt và mũi, gây chảy nước mắt, gỉ mắt nhiều, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng.
+ Khám họng trong giai đoạn này có thể thấy những chấm trắng nhỏ khoảng 1mm mọc trên nền niêm mạc má viêm đỏ, có vị trí ngay với răng hàm thứ nhất, đó là dấu “Koplik” rất có giá trị để giúp chẩn đoán khi phát ban. Thời gian tồn tại của dấu hiệu này khoảng 12 đến 18 giờ.
- Thời kỳ toàn phát (thời kỳ phát ban): ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Sau đó, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân.
Ban kéo dài 6 ngày rồi lặn theo thứ tự trên.
Trường hợp ban mọc ở bên trong niêm mạc (nội ban): ở đường tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa, đi lỏng, ở phổi gây viêm phế quản, ho. Khi ban bắt đầu mọc, toàn thân nặng lên, sốt cao hơn, mệt hơn. Khi mọc đến chân nhiệt độ giảm dần, rồi hết sốt.
- Thời kỳ phục hồi: Thường vào ngày thứ 6 ban bắt đầu bay. Ban bay theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng.
Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng được gọi là “vằn da hổ”. Bệnh nhân hồi phục dần nếu không biến chứng.
Chẩn đoán sởi chủ yếu dựa vào lâm sàng bao gồm triệu chứng viêm họng, phát ban theo trình tự xuất hiện và khám họng thấy có dấu “Koplik”. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi chưa mắc sởi, có tiếp xúc với nguồn lây trong 10 ngày trước. Cũng có thể gặp các cháu sống trong nhà trẻ, trường học, gia đình có người thân mắc bệnh sởi. Hiện nay, điều trị chủ yếu là nâng cao thể trạng cho người bệnh, vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nên cho trẻ nghỉ ngơi, cho trẻ ăn chế độ giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, giữ gìn vệ sinh răng miệng. Nếu trẻ sốt cao, dùng thuốc hạ sốt, và cho uống nhiều nước. Nếu trẻ ho, dùng thuốc giảm ho.
Điều trị tại nhà nếu dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng bằng cách:
- Theo dõi nhiệt độ hàng ngày.
- Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 9‰ để tránh nhiễm khuẩn.
- Tắm rửa sạch bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng và lở loét.
- Dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A.
- Nên nằm phòng riêng (thoáng, sáng, tránh gió lùa).
- Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của thầy thuốc.
Đưa đến cơ sở y tế ngay khi các dấu hiệu nặng lên:
- Sốt cao, ho nhiều, khó thở, tiêu chảy nặng…
- Ban sởi lặn hết mà vẫn còn sốt.
- Các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt…….
Tiêm phòng sởi là biện pháp chủ động để ngừa bệnh sởi. Nên tiêm phòng sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi (theo lịch tiêm chủng mở rộng). Do miễn dịch bảo vệ của vắc-xin sởi chỉ đạt được 90% và với sự suy giảm miễn dịch theo thời gian, nên tiêm mũi thứ 2 cho trẻ vào tháng thứ 18.
Với dấu hiệu ban mọc của bé, ban mọc sau khi b ho, séổ mũi, thứ tự mọc thì giống như bệnh sởi nhưng tính chất của ban như nốt rôm, có nước, đầu nốt trắng, sờ thấy lần sần hơi cứng, tốc độ lan rất chậm thì không phải là ban của sởi, và bạn cũng không nói rõ cháu đã được tiêm phòng sởi lúc 9 tháng tuổi chưa, vì vậy khó có thể kết luận là con bạn bị mắc sởi. Bạn nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chúc hai mẹ con sức khỏe!
Theo m.songkhoe.vn
The post Cơ thể bé mọc mụn nhìn như nốt rôm, có nước, sờ thấy hơi cứng có phải bệnh sởi? appeared first on Tin Sức Khỏe.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Cơ thể bé mọc mụn nhìn như nốt rôm, có nước, sờ thấy hơi cứng có phải bệnh sởi? (https://www.meo.vn/co-the-be-moc-mun-nhin-nhu-not-rom-co-nuoc-so-thay-hoi-cung-co-phai-benh-soi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *