Có nên về quê dịp Tết sau 20 năm bỏ đi…?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Năm nay tôi 49 tuổi, đã xa nhà hơn hai mươi năm mà chưa một ngày trở lại. Bố mẹ tôi mất sớm, tôi được anh trai và chị dâu cả nuôi từ nhỏ, cho ăn học. Học trung cấp xây dựng xong, tôi được phân công công tác tại công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tại đây, tôi gặp và thương yêu một cô gái người dân tộc bán căng tin phục vụ công trường.

Những năm ấy, kinh tế đất nước khó khăn, đi lại không dễ dàng như bây giờ, nên sau khi lấy vợ mấy năm tôi cũng không về quê thắp hương cha mẹ. Khi công trình Thủy điện Hòa Bình hoàn tất, tôi nằm trong diện cho thôi việc, nhận một số tiền trợ cấp nhỏ. Vợ tôi bàn với tôi cùng nhau về quê vợ trên núi cao để làm ăn sinh sống. Thế là tôi theo vợ lên núi, từ đó đứt liên lạc với gia đình ở xuôi.

Hơn hai chục năm qua đi với bao biến cố thăng trầm cuộc đời. Tôi bị tai biến phải nằm liệt giường vài năm, cho đến nay cũng chỉ đi lại nhúc nhắc. Vợ tôi có với người đàn ông khác một đứa con trai, tôi yêu thương nó như con đẻ của mình. Năm tới cháu sẽ thi đại học. Nhiều lần cháu nhắc tôi đưa cháu về quê nội, nhưng tôi cứ khất lần. Tôi không biết sẽ ăn nói thế nào với anh chị và họ mạc về sự "mất tích" của tôi trong hơn hai chục năm qua. Tôi nên về quê dịp nào, trong, trước hay sau Tết thì hơn? Tôi sẽ giới thiệu con trai của chúng tôi thế nào? Có nên cho cả vợ và con cùng về không?

Nguyễn Thanh Hồi (Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình)

Thực ra, Mai Châu, Hòa Bình chẳng phải là vùng sâu, vùng xa, vậy mà gần hai mươi năm anh cố ý cắt đứt liên lạc với gia đình chỉ vì những lý do không thật sự thuyết phục... là một điều đáng tiếc. Hiện nay, việc có người vợ là người dân tộc thiểu số không còn là "chuyện lạ" nữa, phương tiện đi lại hiện nay cũng không quá khó khăn, anh chị đã ổn định cuộc sống, tuy không giàu có nhưng cũng cho con ăn học đầy đủ, anh tuy yếu, nhưng đi lại nhúc nhắc và tinh thần còn minh mẫn, sáng suốt. Đây là dịp anh có thể "hồi hương" cùng vợ con.

Hãy trao đổi với vợ con về dự định của mình. Anh chị có thể về thăm họ hàng vào dịp trước Tết ít ngày. Nếu không quá vướng bận nhà cửa, có thể ở lại ăn Tết ở quê, để giải tỏa tất cả những vướng mắc tinh thần từ bao lâu anh giữ kín trong lòng. Với người thân, anh hãy tâm sự hết mọi khó khăn của bản thân, cũng như lý do tại sao anh không dám về quê trong những năm qua. Anh cũng xin anh trai, chị dâu cho phép mình thắp hương tạ lỗi với ông bà, tổ tiên và xin lỗi cậu cô, chú bác trong họ về sự đứt liên lạc của mình. Tri Giao tin rằng không ai nỡ trách cứ anh nhiều khi đã biết hoàn cảnh thật của anh, đặc biệt khi anh đã đưa cả vợ con về quê ăn Tết lần này.

Về phần đứa con, tuy là con riêng do vợ anh "tự túc", nhưng anh  đã thương yêu nó như con đẻ của mình, thì anh cũng không cần kể sự thật về nguồn gốc lai lịch của cháu với họ hàng. Nó là con trai anh, là cháu nội của bố mẹ anh và con cháu trong dòng họ của anh. Vậy là đủ!

Sau này khi anh chị tuổi tác cao hơn, sức khoẻ yếu hơn, cháu sẽ là cầu nối giữa anh chị và quê hương. Khi có việc trong họ, ngoài làng, anh chị hay cháu về đại diện cũng được, nhưng lần "ra mắt đầu tiên" này, anh chị và cháu nên cùng về. Hy vọng anh chị có một cái Tết thật đầm ấm tại quê nhà!

 

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Có nên về quê dịp Tết sau 20 năm bỏ đi…? (https://www.meo.vn/co-nen-ve-que-dip-tet-sau-20-nam-bo-di.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *