Có nên tiếp tục chung sống vì con?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

(Webtretho) Ly hôn, đặc biệt khi gia đình đã có những đứa trẻ, là một trong những quyết định quan trọng và khó khăn nhất mà một người phải đối mặt. Nhưng khi vợ chồng đã thường xuyên cãi vã và không còn yêu nhau thì có nên tiếp tục chung sống vì con?

Tình yêu hết là tất cả cũng hết? (Ảnh: Inmagine)

Không nên ly hôn?

Đầu tiên phải khẳng định: câu “Không hợp!” là quá đơn giản cho việc các bạn nhất quyết đưa nhau ra tòa. Cuộc sống không được trải trên hoa hồng, cầu vồng hay chan hòa ánh nắng. Đến con cái được bố mẹ yêu thương và nuôi dạy từ tấm bé còn không tránh được cảnh bất đồng về một số chuyện thì làm sao bạn có thể mong được điều đó giữa hai người trưởng thành, ngang bằng nhau? Và nếu thực sự không hợp như vậy, các bạn đã làm gì trong thời gian tìm hiểu nhau?

Ly hôn khi chưa cố gắng là bạn đang thể hiện sự vô trách nhiệm với chính mình và với con. Thực tế, ly hôn là điều xui xẻo không ai muốn, thường đem đến cảm giác đau lòng, thất vọng, giận dữ, nhất là với những đứa trẻ yêu thương cả bố lẫn mẹ. Vì thế người ta luôn khuyến khích các cặp đôi cố hết mức để hàn gắn trước khi đi đến quyết định xa nhau hẳn: hãy cùng đi tư vấn đi, tìm tài liệu tham khảo, trò chuyện thật thẳng thắn và cởi mở, xin lời khuyên từ người thân… Nhưng nói vậy không có nghĩa một cặp vợ chồng phải sống với nhau bằng bất cứ giá nào mới tốt cho các con!

Nên ly hôn?

Thực tế là khi các cặp vợ chồng chung sống nhưng không có tình yêu thương, không hạnh phúc, mệt mỏi, với lý do “vì con”... thường đem đến nhiều điều hại hơn là ích lợi. Thái độ và những hành động của người lớn tạo nên bầu không khí ảnh hưởng rất nhiều đến con và sự phát triển của bé, đến thái độ của bé khi lớn lên.

Những cảm xúc tiêu cực của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con (Ảnh: Inmagine)

“Nhưng chúng tôi không cãi nhau trước mặt con,” “Chúng không biết gì đâu” ư? Bạn sai rồi đó! Có thể những cuộc cãi vã kia giấu được nhưng việc hai bạn ghét nhau thì không - qua những bằng chứng như không có cử chỉ yêu thương, tránh nói chuyện, tránh đi chung, bố thường về trễ, mẹ không nấu cơm… Và sự ghét nhau này có thể đưa đến những thông điệp sai lầm, méo mó về các mối quan hệ mà tuy con chưa thể hiểu được nhưng sẽ theo bé đến khi trưởng thành; con bạn có thể nghĩ rằng bố mẹ cũng ghét chúng; và trong trường hợp xấu nhất, con sẽ ghét cả hai bạn, bé mất niềm tin, phản kháng và bạn không còn ảnh hưởng tốt đến con mình được nữa.

Trong trường hợp bạn là người khổ sở và chịu đựng, có phải bạn đang dạy con rằng mình không đáng được hạnh phúc, bạn đang dạy con phụ thuộc và không được phản kháng mà phải chịu đựng bất cứ gì mà cuộc sống này ném vào bạn. Bạn còn đang dạy con về việc không thẳng thắn trao đổi với nhau, không có trách nhiệm với cuộc sống của mình, không hiểu được những mối quan hệ lành mạnh... Hãy nghĩ xem đó có phải những gì bạn muốn?

Ngoài ra, không phải ai cũng vậy, nhưng suy nghĩ “cố chung sống vì con” lâu dần có thể trở thành “tại con mà mẹ/ bố phải chịu đựng”. Con bạn tự nhiên trở thành nguyên nhân làm mẹ/ bố phải khổ, và con sẽ phải làm việc A, việc B để trả “món nợ” đó trong khi chính bản thân bé cũng chẳng được hạnh phúc hơn từ quyết định của bạn.

Hãy cân nhắc và dứt khoát trước khi quá muộn

Có thể chốt lại rằng: các bố mẹ không hạnh phúc thường không thể nuôi dạy được một đứa trẻ hạnh phúc. Nhưng tin tốt là khi một cặp vợ chồng quyết định ly hôn và thực hiện điều này bằng thái độ hợp tác và trưởng thành thì con cái họ hoàn toàn có cơ sở để được tin rằng sẽ có thể làm tốt hơn bố mẹ trong tương lai.

Nói cách khác, bản thân cuộc ly hôn không nhất thiết là điều quyết định con bạn có ổn hay không, mà chính cách mà những người lớn đối xử với nhau trong và sau cuộc ly hôn sẽ làm điều đó. Hãy thành thật nhưng khéo léo khi cả hai nói chuyện với con, không cần nói quá chi tiết nhưng bảo đảm để con biết rằng các bạn đều rất yêu con, tuy rằng bố và mẹ sẽ hạnh phúc hơn khi không sống cùng nhà với nhau. Hãy là những người trưởng thành, tránh nói xấu và đổ lỗi, giữ được sự tôn trọng với nhau để cùng yêu thương và dạy dỗ con.

Không còn yêu nhau nhưng các bạn vẫn còn chung một mối quan tâm rất lớn - là con cái (Ảnh: Inmagine)

Ngoài ra, bạn luôn nên xây dựng cho mình một cuộc sống tự lập, để chẳng may (rất chẳng may) hai vợ chồng không còn có thể sống chung thì bạn cũng không rơi vào hoàn cảnh phải cắn răng nhịn nhục. Bạn cũng lưu ý đừng ngăn chặn, cố gắng cắt đứt mối liên hệ cha-con (hoặc mẹ-con), việc này hoàn toàn không đem lại ích lợi gì cho con của bạn cả. Con bạn cần có bố / mẹ đem đến cho bé tình yêu thương và dạy bé nhiều điều mà người còn lại không thể nào thay thế được.

Hãy cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân vì chính bạn trước, và sau đó là vì con, chứ đừng chung sống “chỉ vì con”. Đừng ly hôn vì cách này “dễ dàng và nhanh gọn” hơn cho hai bạn, nhưng cũng đừng cố níu kéo một cuộc sống không hạnh phúc. Không ai biết chính xác quyết định của mình sẽ dẫn đến đâu, nhưng nếu bạn đã chắc chắn được rằng mình không thể ở trong tình trạng hiện tại, chúng tôi luôn mong bạn có nhiều sức mạnh để vượt qua những khó khăn và vẫn là nơi con cái tìm thấy tình yêu thương và học được nhiều bài học quý giá về cuộc sống. Và hãy nhớ những người thân vẫn luôn ở bên bạn!

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Có nên tiếp tục chung sống vì con? (https://www.meo.vn/co-nen-tiep-tuc-chung-song-vi-con.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *