Có bà chăm cháu là sướng nhất?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

(Webtretho) “Thuê người giúp việc để ‘sai bảo’ theo ý mình sướng gầp chục lần phải chiều chuộng bà” – đó là ý kiến của không ít các bà mẹ trẻ ngày nay. Nhưng “có bà chăm cháu là sướng nhất” cũng là một sự thật không thể chối cãi.

Con bạn được chính tay bà chăm sóc thì còn gì quý bằng. Bà sẵn sàng dậy sớm giặt đồ cho cháu, chăm bé từng li từng tí, thậm chí nấu cháo, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa giúp bạn, để bạn có thể tập trung hơn với công việc ở cơ quan. Nhưng dù bà có cố làm tốt mọi việc thế nào thì cũng không tránh khỏi đôi khi bạn so sánh bà với… người giúp việc. Chỉ cần một lần không vừa ý thôi, bạn lại có cớ so sánh.

Với tình yêu của mình, bà sẽ luôn có cách chăm sóc cháu tốt nhất. Ảnh: Getty images

Những ngầm ý so sánh kia tuy thỉnh thoảng mới có, hoặc chỉ ở trong đầu thôi nhưng bạn có biết chúng là thứ “độc dược” sẽ ngấm dần vào suy nghĩ của bạn, làm cho những tình cảm, thái độ, ánh mắt, cử chỉ… của bạn với bà trở nên khác đi. Bạn sẽ hay cáu bẳn, hay than phiền, hay không vừa lòng… và quan trọng hơn, điều đó sẽ làm mối quan hệ của bạn và mẹ chồng ngày càng xấu đi.

Rõ ràng chúng ta đều biết, dù là bà ngoại hay bà nội thì tất nhiên đều tốt hơn nhiều lần 1 người dưng – người giúp việc. Bà cho mẹ sự yên tâm khi ra khỏi nhà; bà có thể thay mẹ yêu thương cháu trong từng bữa ăn, giấc ngủ… Vậy tại sao bạn lại không xây dựng, vun đắp mối quan hệ với bà thay vì đi vỗ về, chiều chuộng người dưng nào đó để mong họ yêu thương con mình? Nếu thành công trong “phân khúc” này, chắc chắn bạn sẽ có gặt hái được một tình cảm trên cả tuyệt vời với mẹ chồng. Và bạn có biết không, để đạt được điều này không quá khó đâu, hãy xem các chị em khác đã làm thế nào nhé!

1. Đừng để lóe lên ý nghĩ so sánh bà với người giúp việc

Chỉ cần “có nghĩ tới” là bạn sẽ bị “ám ảnh” bởi nó ngay. Cho nên, bất cứ khi nào, nếu cảm thấy không vừa lòng điều gì đó về bà, bạn nên tìm cách giải quyết để chúng ra khỏi đầu càng sớm càng tốt. Tùy theo tính cách của bà, bạn có thể lựa chọn cách ứng xử. “Mình thường chọn cách góp ý thẳng. Nếu bà vẫn giữ quan điểm, cho rằng mình đúng và không định sửa, mình sẽ ý tứ để bà không làm việc đó nữa, chứ không phàn nàn hay nói đi nói lại nhiều lần. Nhưng nhớ là phải từ từ và thật ý tứ để bà không buồn phiền khi nghĩ rằng ‘nó làm vậy là chê mình dở’,” chị Như Ý, ngụ q. Phú Nhuận cho biết.

2. Dung hòa

“Dung hòa” là hai từ rất quan trọng trong những tình huống khó xử của mối quan hệ này. Bà và bạn thuộc về 2 thế hệ khác nhau nên không thể tránh khỏi những lúc khó xử do nhận thức bị “chênh”. Nếu khó dịch dời những suy nghĩ của bà thì bạn cần tìm cách dung hòa. “Mình tin, dù có chăm cháu theo kiểu gì thì bà cũng sẽ chọn cách tốt nhất. Vì thế, cách tốt nhất là bạn nên tìm cách dung hòa giữa ý muốn của bạn và cách của bà. “Mình tin nếu khéo léo, bạn có thể làm chủ được mọi tình huống. Khi bà đã tin tưởng bạn thì mọi chuyện sẽ dễ xử vô cùng,” chị Ý nói thêm.

Hãy tin rằng, mọi thứ bà làm đều muốn mang lại điều tốt nhất cho cháu. Ảnh: Getty images

3. Hãy luôn quan tâm, trân trọng bà, tối thiểu như khi bạn chiều chuộng 1 người giúp việc

Nếu đã từng có một người giúp việc khó tính, hay đòi hỏi, và bạn đã phải chiều chuộng hết cả hơi chỉ để người ta không nghỉ ngang thì có thể khi ngẫm nghĩ lại, bạn sẽ nhận những lúc ở với mẹ / mẹ chồng, bạn đã rất lơ là quan tâm đến bà. Bạn hầu như chỉ quan tâm đến con chứ rất chủ quan, nghĩ bà là người một nhà nên cứ thoải mái tự nhiên, bà muốn ăn gì thì lấy ăn, không lo bà nghỉ ngang, không lo đòi đòi hỏi tăng thêm lương bổng… Khi bà than chuyện về sức khỏe thì bạn phớt lờ (nếu không nghiêm trọng), khi bà phàn nàn điều gì đó trong ngày, bạn lại ít chú ý ngay trong khi đó người lớn tuổi lại rất nhạy cảm.

“Chỉ vài câu hỏi han, những cử chỉ nhỏ như bóp vai vào cuối ngày cho bà, pha thau nước muối cho bà ngâm chân hay mua quà bánh cho bà ăn vặt, tặng cho bà bộ đồ mặc nhà… sẽ làm bà rất hạnh phúc. Mình hay làm những điều này. Lúc đầu có thể hơi gượng nhưng lâu dần sẽ thành thói quen và bạn sẽ phát sinh những tình cảm thực sự chứ không chỉ là ‘nghĩa vụ’,” chị Minh Thảo, nhà ở quận 10 chia sẻ.

4. Lắng nghe những câu chuyện của bà

Với người già, cũng không quá khó để bạn “lấy lòng”. Người già rất thích được bầu bạn, tâm sự. Vì vậy, cách để gần gũi với bà nhất là trò chuyện và lắng nghe những câu chuyện của bà. Có thể bạn sẽ phải nghe đi nghe lại cả chục lần câu chuyện về ai đó mà bạn không quen; có thể bạn sẽ nghe bà kể những câu chuyện li kỳ mà bà nghe lại từ ai đó mà bạn biết nó hoàn toàn không có cơ sở; có thể bạn sẽ tốn nhiều thời gian hơn để nghe bà chuyện trò thay vì được nằm dài xem phim, nghe nhạc… Nhưng hãy thử đi, nếu bạn làm được những điều này, bạn sẽ thấy bà rất vui vẻ, cởi mở với bạn. “Bởi bạn đã cho bà cảm giác bạn chính là một người bạn tâm giao, nhiệt tình của bà,” chị Mỹ Ngọc, ngụ quận Thủ Đức đã đúc kết.

Còn bạn thì sao, bạn đã trải qua những tình huống này chưa và bạn đã xử trí chúng như thế nào? Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm để các mẹ khác học hỏi nhé!

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Có bà chăm cháu là sướng nhất? (https://www.meo.vn/co-ba-cham-chau-la-suong-nhat.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *