Chuyện hy hữu: Răng rơi vào phổi

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Thời gian qua, Viện Lao và Bệnh phổi T.Ư tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị dị vật  như răng, đinh… bị rơi vào phổi. Có 15 trường hợp bị rơi răng giả hoặc răng thật vào phế quản trong đêm ngủ.

Một nghiên cứu trên 63 bệnh nhân cho thấy 56 trường hợp người bệnh nghĩ rằng dị vật được nuốt vào dạ dày và theo phân ra ngoài nên không đi khám bệnh.

Hậu quả là nhiều người bị viêm phổi do những dị vật này.

Một bệnh nhân nữ từ lúc 22 tuổi đã nuốt hạt hồng xiêm nằm ở phế quản trái. Năm bệnh nhân này 42 tuổi, dị vật này mới được phát hiện qua nội soi và gắp được hạt hồng xiêm ra.

Trong một lần sửa chữa nhà, bệnh nhân N.T.H, 53 tuổi, ở Hà Nội đóng đinh lên tường. Chiếc búa trượt vào tay, anh H. kêu lên một tiếng rất to. Không hiểu bằng cách nào chiếc đinh 3 cm chui tọt vào phổi.

Không nghĩ đinh rơi vào phổi nên anh không đi bệnh viện kiểm tra. Thời gian sau đó anh H. hay bị ho, phải uống kháng sinh rất nhiều. Sáu năm sau, khi thấy đau đầu gối, đi khám, làm các xét nghiệm anh H. được bác sĩ cho biết nghi ngờ bị ung thư phổi.

Kết quả chụp phim cho thấy 1 chiếc đinh 3cm nằm sâu trong cuống phổi bệnh nhân. Bấy giờ bệnh nhân mới nhớ lại tai nạn khó tin năm xưa.

TS - bác sĩ Nguyễn Chi Lăng – Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi T.Ư - cho biết: Dị vật phế quản bỏ qua là do dị vật nhỏ, nhẵn, ít nhiễm trùng khi đã đi qua thanh môn gây nên hội chứng xâm nhập nhanh chóng và thoáng qua nên người bệnh cho rằng họ tự nuốt chứ không phải dị vật rơi vào đường thở.

Hơn nữa do thời gian nhiễm trùng phổi của bệnh nhân cách xa với thời gian xuất hiện hội chứng xâm nhập. Vì vậy, bệnh nhân quên đi nguyên nhân gây nhiễm trùng phổi phế quản có liên quan đến dị vật.

Biểu hiện lâm sàng của các trường hợp này hầu hết là tình trạng nhiễm trùng phổi phế quản mãn tính kéo dài. Bệnh chỉ đỡ khi người bệnh được điều trị kháng sinh.

Tuy nhiên sau khi ngừng kháng sinh vài ba ngày đến 1 tuần lại xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp trở lại. Chụp phim phổi  hầu hết không thấy dị vật, ngay cả những dị vật có cấu tạo là chất có độ cản quang cao (xương, răng, đạn …).

Do vậy người bệnh thường được chẩn đoán áp xe phổi mạn tính điều trị kháng sinh dài ngày, hàng tháng, hàng năm, thậm chí có trường hợp hàng chục năm không khỏi.

Bác sĩ Lăng cho biết: Sau khi bị sặc dị vật, bệnh nhân lập tức có hội chứng xâm nhập để tống dị vật ra với những cơn ho sặc sụa. Mặc dù sau khi xảy ra sự cố, bệnh nhân đều có biểu hiện triệu chứng hô hấp như ho, sốt, khạc đờm nhưng bệnh nhân lại quên đi hoặc không biết nguyên nhân các triệu chứng hô hấp là do dị vật gây nên.

Dị vật nằm càng lâu trong phế quản sẽ càng gây kích thích tổ chức hạt phát triển xung quanh nơi nó nằm. Chính vì vậy, nó càng làm tắc nghẽn phế quản và gây trầm trọng tình trạng nhiễm trùng phế quản phổi sau chỗ tắc nghẽn.

Dị vật nằm càng lâu trong lòng phế quản sẽ gây ra nhiều di chứng sau này như chít hẹp lòng phế quản do sẹo, giãn phế quản, khí phế thũng… cho dù đã lấy được dị vật ra khỏi lòng phế quản.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, một số nguyên nhân gây nên dị vật phế quản bao gồm do chế biến thức ăn để lại những mẩu xương dễ hóc, ăn quả có hạt, do thói quen ngậm dị vật, do chăm sóc răng miệng kém (không nhổ răng sắp rụng), không tháo răng giả khi đi ngủ. Do vậy cần có hiểu biết để tránh dị vật rơi vào đường thở.

Hiện nay, soi phế quản là phương pháp xác định chẩn đoán vị trí nơi dị vật nằm và là phương pháp điều trị lấy dị vật ra khỏi đường hô hấp hiệu quả, an toàn nhất.

Tuy nhiên, có một số dị vật hít phải được xác định trên phim X quang phổi, khi soi phế quản ống mềm lại không nhìn thấy vì nó nằm sâu ở phế quản ngoại vi. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi T.Ư đã nghiên cứu được phương pháp mới khắc phục hạn chế này.

100% các ca gắp dị vật ra khỏi phổi bằng phương pháp này đều thành công, không gây mất máu. Trong tương lai, phương pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi trong điều trị dị vật.

Thái Hà (Theo TienPhong)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Chuyện hy hữu: Răng rơi vào phổi (https://www.meo.vn/chuyen-hy-huu-rang-roi-vao-phoi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *