Chủ động quản lý kinh nguyệt

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Để tránh phiền hà vào các chu kỳ hàng tháng, một số chị em đã dùng thuốc tránh thai liên tục. Nhưng đó chỉ là cái lợi trước mắt, còn về lâu dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

'Xinh đẹp và sạch sẽ'

Đó là niềm vui của những chị em dùng thuốc tránh thai để thoát khỏi những 'ngày ấy'. Chị Kim Dung (Thanh Xuân, HN) cho biết, trước đây, mỗi ngày 'đến tháng' là một cực hình đối với chị: Đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, ra 'như suối'... Từ ngày lập gia đình, được bác sĩ khuyên dùng uống thuốc tránh thai liên tục, chị thấy nhẹ cả người. Lúc muốn, chị chỉ cần ngừng uống thuốc một tuần lễ, chu kỳ trở lại bình thường và không gây đau đớn gì. Vì vậy, mỗi dịp phải đi công tác đúng vào 'ngày ấy', chị chỉ việc uống thuốc là ổn. Điều này, không chỉ giúp chị đỡ lo về vấn đề vệ sinh mà còn giúp chị có làn da căng mịn, hết trứng cá...

Chị Thảo Liên (Tây Hồ, HN) cảm thấy mãn nguyện sau kỳ cậu con trai thứ hai khoẻ mạnh. Một bác sĩ quen biết đã giới thiệu cho chị biện pháp tránh thai bằng thuốc tiêm. Loại này không những an toàn mà còn giúp chị không còn bận tâm tới ngày của tháng. Từ khi tiêm thuốc, mỗi năm, ngày đó chỉ xuất hiện 1-2 lần. Chị cho biết, lúc đầu cũng thấy sợ, song nhiều chị em nơi công ty chị, sau 1-2 năm ngừng thuốc, vẫn có thai trở lại. Chị khá an tâm.

Nhiều chị em còn gọi biện pháp này là 'quản lý kinh nguyệt'. Họ có thể chủ động quyết định chu kỳ của mình theo mong muốn. Thậm chí, nhiều chị em còn muốn cắt hẳn chu kỳ để xoá hẳn cảm giác mất tự tin vào những ngày 'không sạch sẽ'.

Có thể gây vô sinh (?)

Bác sĩ Ngô Văn Phú, Bệnh viện Thể dục Thể thao - nơi thường phải tác động thay đổi chu kỳ của VĐV nữ khi thi đấu - cho biết, chu kỳ tháng phản ánh khá trung thực sức khoẻ của chị em và cần có tính ổn định. Khi bị phá chu kỳ bình thường, có thể phát sinh một số bệnh về nội tiết và tâm lý.

Điều chỉnh để thay đổi hiệu ứng chu kỳ (gây ra một chu kỳ đến sớm hoặc đến muộn) bằng cách bổ sung thuốc có chứa hormon sẽ gây hại cho cơ thể. Bởi hormon tổng hợp đưa từ bên ngoài vào sẽ tạo ra lượng dư thừa và gây ra một cơ chế điều hoà ngược, tức là sự sản xuất của cơ thể sẽ phải giảm đi để cân bằng. Đây là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Nếu bị lạm dụng và xảy ra thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng đến chính cơ quan sản xuất ra hormon, làm giảm chức năng của nó.

Đến một mức nào đó, cơ quan này sẽ mất khả năng sản xuất, người ta sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormon ngoại lai. Điều này đưa đến sự rối loạn hết sức đặc biệt về cấu trúc sinh lý của cơ thể. Bước đầu là một số bệnh liên quan đến nội tiết như: u xơ tử cung, rối loạn phát triển của niêm mạc tử cung (u cổ tử cung, buồng trứng, bài tiết sữa), của tuyến yên... - đây là những bệnh có thể dẫn tới vô sinh. Nếu kéo dài, người phụ nữ sẽ bị rối loạn về giới tính và những thay đổi khác.

BS Phú cho biết, ngay cả các VĐV chuyên nghiệp, thường xuyên phải tập luyện, thi đấu, các bác sĩ cũng phải nghiên cứu sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng, tập luyện... cho phù hợp với chu kỳ và tạo một chu kỳ ổn định để chị em có sức khoẻ tốt. Chỉ khi thi đấu ở những giải quan trọng, mục tiêu thành tích đặt lên hàng đầu, người ta mới chấp nhận sự can thiệp đó trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, chị em không nên thực hiện biện pháp này (trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ).

Bác sĩ Đào Xuân Dũng: Cần biết có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ không?

Hiện tại, các bác sĩ sản khoa còn chưa thống nhất ý kiến về việc có nên đình chỉ chu kỳ hàng tháng của chị em hay không.

Nếu phụ nữ muốn sử dụng thuốc tránh thai để thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, cần biết mình có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ để dùng hay không (không có các chống chỉ định như bệnh nghẽn tắc tĩnh mạch, bệnh mạch mãu não hay mạch vàng, bệnh van tim, cao huyết áp trung bình hay nặng trên 160/100, bệnh nhức đầu, nghi ngờ ung thư vú, bệnh gan lành tính hay ác tính, viêm gan cấp, xơ gan, tiểu đường).

Nếu đang dùng cần phải xem có thích hợp không - có bị những khó chịu nặng do kinh nguyệt gây ra đến mức phải dùng viên thuốc tránh thai không (như hội chứng tiền kinh, đau bụng kinh nặng hay bị lạc nội mạc tử cung). Khi sử dụng thuốc, có thể gặp phải những tác dụng phụ như: rong huyết, giảm khẩu vị, buồn nôn, nhức đầu, thay đổi mức độ ham muốn và đáp ứng tình dục, viêm âm đạo, xuất tiết ở âm đạo, viêm đường tiết niệu, thay đổi về lượng kinh, đau ngực, có vấn đề ở da, viêm lợi, bệnh hen nặng hơn, dễ mắc các bệnh do virus...

(Theo Khoa học & Đời Sống)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Chủ động quản lý kinh nguyệt (https://www.meo.vn/chu-dong-quan-ly-kinh-nguyet.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *