Chăm sóc và phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em. Khi bị tiêu chảy trẻ sẽ bị mất nước, mệt mỏi, sút cân và nếu kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và bội nhiễm. Nhiều bà mẹ bà băn khoăn không biết phải chăm sóc con thế nào để trẻ nhanh khỏi bệnh?
Theo TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà (Bộ môn Nhi – Đại học Y Hà Nội): Tiêu chảy là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho trẻ em sau nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tiêu chảy khá cao, trung bình mỗi năm một trẻ có thể mắc 2,2 đợt tiêu chảy. Có 80% các trường hợp ca tử vong do tiêu chảy xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng (SDD). Trẻ bị SDD có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ và là gánh nặng về kinh tế đối với gia đình và xã hội, do đó bệnh tiêu chảy còn là một vấn đề toàn cầu.
Dấu hiệu nôn và tiêu chảy là đặc điểm nổi bật của tiêu chảy cấp do Rota virus gây ra đối với trẻ nhỏ. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm dần khi bắt đầu đi tiêu chảy. Đa số trẻ sẽ hết tiêu chảy sau thời gian từ 4-8 ngày. Tuy nhiên, có thể vẫn còn tiêu chảy đến 2 tuần dù trẻ đã khỏe và đòi ăn trở lại. Khi bị tiêu chảy trẻ sẽ bị mất nước do đó cần phải đánh giá đúng mức độ mất nước để kịp thời theo dõi trẻ: quan sát tình trạng trẻ xem những biểu hiện của trẻ về mặt ý thức, tinh thần, các biểu hiện khát nước, độ căng của da, nước mắt của trẻ
Nguyên nhân sinh bệnh là virus, điển hình là Rota virus, vi khuẩn, lỵ, amip… hoặc tiêu chảy cũng có thể do chế độ ăn không phù hợp, bị nhiễm khuẩn đường ruột, tổn thương tại ruột hay dị ứng thức ăn… Ngoài ra, một số yếu tố khác có nguy cơ sinh bệnh như: Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp 10 lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình; cho trẻ ăn thức ăn nấu chín để lâu ở nhiệt độ không đảm bảo, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến; Không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh trước khi chế biến thức ăn cho trẻ..v.v.

Trẻ bị tiêu chảy cần được chăm sóc như thế nào?

Bù nước khi bé bị tiêu chảylà thật cần thiết:
Khi trẻ bị mất nước điều quan trọng nhất là phải bù nước kịp thời cho trẻ. Các dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch ORS (oresol). Pha dung dịch bù nước đúng là điều quan trọng giúp trẻ mau hồi phục và giảm thiểu tình trạng sụt cân. Mỗi gói ORS lớn cần pha với 1 lít nước đun sôi để nguội (không nên pha nửa gói ORS với nửa lít nước), mỗi gói ORS II hoặc mỗi viên/gói hydrite pha với 200ml nước đun sôi để nguội sử dụng trong vòng 24h.
Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ có các biểu hiện sau: Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); Nôn tái diễn; Ăn uống kém hoặc bỏ bú; Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị; Sốt cao hơn; Có máu trong phân .v.v.
Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy:
Đối với trẻ mắc tiêu chảy cần cho ăn thức ăn mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau), nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ. Trẻ dưới 6 tháng tuổi còn bú mẹ: tiếp tục bú mẹ bình thường và tích cực cho trẻ bú mẹ là rất cần thiết. Sữa mẹ đóng vai trò rất quan trọng khi trẻ bị tiêu chảy vì trong sữa mẹ vừa đủ các chất dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa, hấp thu.
Nếu trẻ bú sữa ngoài, vẫn tiếp tục cho bú bình thường. Trong một vài trường hợp bé bị tiêu chảy kéo dài cần có chỉ định của bác sĩ cụ thể khi sử dụng sữa. Trẻ lớn hơn: cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không nên bắt trẻ nhịn, kiêng khem.
Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài… Tránh dùng các loại thực phẩm có lượng đường nhiều và các chất điện giải thấp, các thực phẩm ít chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa.

Một số thói quen thường gặp sau đây của bà mẹ có thể gây ra những hậu quả trầm trọng cho trẻ:

Dùng thuốc chống nôn, cầm đi ngoài. Khi trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần, các bà mẹ thường cho trẻ ăn lá ổi, hồng xiêm xanh… Trẻ có thể ngừng đi ngoài ngay nhưng đó chỉ là khỏi bệnh giả tạo và gây ra hậu quả là các tác nhân gây bệnh ở lại trong đường tiêu hóa lâu hơn khiến cho bệnh lâu khỏi, thậm chí nặng lên.
Bên cạnh đó, việc tự dùng kháng sinh của các bà mẹ sẽ dẫn đến hậu quả là làm rối loạn thêm vi khuẩn chí (vi khuẩn có ích) trong đường tiêu hóa của trẻ, vừa không chữa được bệnh lại dễ dẫn đến ngộ độc thuốc và kéo dài ngày bệnh và giảm khả năng hấp thu của trẻ.
Thêm vào đó, việc bù dịch và điện giải không đúng quy định sẽ gây hậu quả là không bù được nước và điện giải, trẻ càng mất nước nhiều hơn, tình trạng nặng lên nhanh chóng.

Phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ

Giảm tần suất tiêu chảy có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em do đó góp phần làm giảm tỉ lệ tử vong và tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng.
Nuôi con bằng sữa mẹ: Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi. Sữa mẹ có chứa các chất miễn dịch, giúp trẻ chống lại bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy mà các loại sữa động vật hay thức ăn nhân tạo không có được. Nếu không có điều kiện cho trẻ bú mẹ, cho trẻ ăn sữa động vật (cho trẻ ăn trước 6 tháng) hoặc sữa công thức với vật dụng là thìa và cốc.
Cải thiện tập quán cho trẻ ăn sam: Chỉ cho trẻ ăn bổ sung vào thời điểm 4-6 tháng khi mẹ không đủ sữa, trẻ chậm lên cân, quấy khóc. Lựa chọn thức ăn giàu chất dinh dưỡng và chế biến hợp vệ sinh. Cùng với sữa, phải cho trẻ ăn thức ăn nghiền nhỏ và bổ sung thêm trứng, thịt, cá và hoa quả.
Rửa tay thường quy: Cần rửa tay kỹ trong các trường hợp: Sau khi đi đại tiện, khi vệ sinh cho trẻ đi đại tiện; khi dọn phân của trẻ. Nấu kỹ thức ăn; Ăn thức ăn nóng hoặc hâm kỹ lại trước khi ăn.
Phòng bệnh bằng vắcxin: các bà mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine để đảm bảo cho trẻ có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Tiêm phòng sởi vào tháng thứ 9 có thể giảm tỷ lệ mắc và mức độ trầm trọng của tiêu chảy. Hiện nay đã có vaccin Rota virus có hiệu quả phòng bệnh khoảng 72% trên trẻ em Việt Nam.
Theo Suckhoegiadinh.com.vn
The post Chăm sóc và phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ appeared first on Tin Sức Khỏe.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Chăm sóc và phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ (https://www.meo.vn/cham-soc-va-phong-benh-tieu-chay-o-tre.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *