Cây Gấc – Công dụng đa năng

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Hay còn gọi là (Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng); mộc miết, má khẩu (Thái), mác khẩu (Tày), đìa tả piếu (Dao). Họ Bí (Cucurbitaceae).Dầu Gấc có tác dụng như vitamin A. dùng làm thuốc bổ cho trẻ em chậm lớn, kém ăn, sút cân, bệnh khô mắt, quáng gà.


Cây leo nhờ tua cuốn ở kẽ lá. Lá mọc so le. Gốc phiến lá gần nơi tiếp giáp với cuống có 2 tuyến to, phiến lá xẻ 3-5 thùy sâu hình chân vịt, kích thước 12-20cm. Hoa to, đơn tính cùng gốc ở kẽ lá. Nụ hoa nằm trong lá bắc to, khi nở, tràng hoa hình phễu, màu vàng nhạt. Mùa hoa bắt đầu tháng 4-5. Quả trưởng thành to gần như quả bưởi, dài 15 – 20cm, hình bầu dục hai đầu nhọn, mặt ngoài có nhiều gai ngắn, màu xanh lục, khi chín màu đỏ thẫm. Vỏ quả dày, trong chứa 30-40 hạt dẹt, to. Vỏ hạt cứng, màu nâu đen, có nhiều nếp nhăn lõm, mép hạt có răng cưa tù. Bao quanh hạt là một lớp màng dày mọng nước màu đỏ thắm. Mùa hoa và quả: tháng 7-12.

 

Hạt gấc. - Ảnh minh họa

Cây Gấc mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam. Trồng bằng hạt hay dâm cành vào đầu mùa xuân. Trồng bằng cành sau một năm đã cho quả. Khi hái hết quả, chặt thân cũ cách gốc độ 50cm, mùa xuân năm sau từ gốc cũ lại nảy chồi thành các thân mới. Cứ như vậy, có những cây gấc sống tới 20 năm.

Dùng màng đỏ bao quanh hạt để đồ xôi và làm thuốc. Màng này có chứa 30 – 35% dầu béo màu đỏ cam, trong đó có khoảng 1% lycopen và β – caroten, đó là tiền sinh tố A. khi ăn vào cơ thể, dưới tác dụng của men carotenaza, β – caroten sẽ tách thành 2 phân tử vitamin A. Ngoài ra, trong dầu G còn có các axit béo không no (axit oleic 44%, axit palmitic 33% và axit linoleic 14%), vitamin F và các chất vi lượng như sắt, đồng, coban, kali, kẽm. Nhân hạt Gấc chứa 55% dầu béo, 16,6% protit và một số chất khác. Rễ Gấc chứa saponin triterpen.

Dầu Gấc có tác dụng như vitamin A. dùng làm thuốc bổ cho trẻ em chậm lớn, kém ăn, sút cân, bệnh khô mắt, quáng gà. Ngày dùng 10 – 20 giọt cho người lớn, 5 – 10 giọt cho trẻ em, chia 2 lần. Dùng ngoài để bôi lên các vế thương, vết loét cho chóng lên da non, chữa bỏng và nứt kẽ vú. Gần đây các nhà khoa học Việt Nam đã chế từ dầu Gấc ra thuốc Gacavit có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt nghiên cứu dùng để phòng và chữa bệnh ung thư gan guyên phát ở người đạt kết quả tốt.

 

Quả gấc. - Ảnh minh họa

Vỏ quả Gấc cũng chứa nhiều β – caroten. Rễ Gấc đã làm khô, sao vàng sắc uống với liều 6 – 12g/ngày, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác để chữa tê thấp, nhức mỏi.

Nhân hạt Gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, vào kinh can. Mài với nước hoặc với giấm để bôi chữa mụn nhọt, sưng tấy, tràng nhạc, tắc tia sữa, chấn thương ứ huyết.

Ngoài cách ăn gấc tươi (nấu xôi Gấc), người ta có thể chế dầu Gấc để dùng dần. Lấy lớp màng đỏ bao quanh hạt Gấc, phơi hoặc sấy nhẹ cho khô, sau đó chiết bằng dung môi thích hợp, hoặc ép như ép dầu thực vật. Trong phạm vi gia đình có thể tự chế lấy bằng cách đun với mỡ lợn hoặc dầu lạc. Bỏ bã. Dầu lạc hoặc mỡ có chứa dầu Gấc được đựng trong các chai nhỏ, nút kín để dùng dần. Muốn có 1lít dầu Gấc nguyên chất phải dùng ít nhất 30 – 50 quả Gấc chín.

Meo.vn (Theo Khoemoingay.vn)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Cây Gấc – Công dụng đa năng (https://www.meo.vn/cay-gac-cong-dung-da-nang.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *