Cạo trọc đầu của trẻ sẽ khiến da đầu dễ bị tổn thương

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Nắng nóng, nhiều phụ huynh có con trai thường quan niệm: “Cạo tóc cho con sẽ làm da đầu thoáng, không còn cảm giác tóc bết dính giúp trẻ có cảm giác mát hơn.” (?!). Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, việc làm trên chỉ đem lại lợi ích tức thời nhưng sẽ để lại nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh chỉ nên cắt ngắn, không nên cạo trọc đầu của trẻ. Ảnh: Chí Cường

Thực hư chuyện “cạo trọc để tóc đẹp hơn”?

Hễ nắng nóng oi bức, hàng xóm lại thấy hai cậu con trai (bé lớn 6 tuổi, bé nhỏ 4 tuổi) nhà chị Nguyễn Thị Thủy (ở Mỹ Đức, Hà Nội) đầu tròn như “quả bóng”; Bởi lẽ cứ mùa hè là bố mẹ lại “lôi” con ra cạo trọc đầu cho mát. Lí giải về việc này, chị Thủy cho hay, hai con nhà chị thuộc “diện” tóc dày, lại ra nhiều mồ hôi nên thường kêu ngứa mỗi khi đi nắng về. Thấy con hay ngứa ngáy, khó chịu, vợ chồng chị quyết định đưa con ra hiệu, cạo phăng luôn cả mái tóc của con. Chị bảo: “Tóc trẻ con nhanh mọc lắm. Gần tháng lại lên “lứa” mới. Thế nên, mấy tháng hè nắng nóng, cứ để cho da đầu được thoải mái, đỡ ngứa ngáy, lại tiết kiệm được thời gian tắm gội. Hai năm nay, hè nào tôi cũng cạo tóc cho con, chưa thấy có vấn đề gì”.

Giống như vợ chồng chị Thủy, vợ chồng anh Đào Anh Tú (ở Hà Đông, Hà Nội) cũng hay cạo trọc đầu cho cậu con trai út (4 tuổi). Theo lời anh Tú, việc cạo tóc cho con không chỉ với mục đích làm mát cho con trong mùa hè mà vợ chồng anh chị còn “nuôi” hi vọng thay tóc mới cho con. “Từ lúc sinh ra đến giờ, tóc con cứ lơ thơ, đã thế lại mọc không đều. Nghe mấy người mách, cạo hết tóc cũ đi, tóc mới sẽ mọc đều hơn và dày hơn nên chúng tôi cũng thử làm. Trước mắt, chưa thấy tóc mọc “đẹp” hơn nhưng quan sát thấy, sợi tóc của con có vẻ cứng hơn so với tóc cũ. Vợ chồng tôi cũng đang phân vân có nên tiếp tục cạo tóc cho con hay không?”, anh Tú chia sẻ.

Trao đổi với PV về việc có nên cạo trọc đầu cho trẻ nhỏ hay không, TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng cho biết: “Tùy thuộc vào từng cơ địa của mỗi đứa trẻ như mái tóc dày hay mỏng; lượng mồ hôi tiết ra nhiều hay ít hoặc đứa trẻ có bị viêm nhiễm, nấm ngứa da đầu hay không… để bố mẹ có thể đưa ra quyết định “xử lý” mái tóc của trẻ. Tuy nhiên, tốt nhất không nên cạo trọc đầu của trẻ vì sẽ dẫn đến nguy cơ gây hại cho da đầu cũng như mất đi tính thẩm mỹ cho đứa trẻ”.

Cạo trọc đầu của trẻ sẽ khiến da đầu dễ bị tổn thương

Theo TS.BS Trần Thị Hoàng, việc cạo trọc đầu cho trẻ chỉ đem lại lợi ích trước mắt là giúp trẻ có cảm giác “thoáng” đầu hơn, giảm ngứa ngáy khó chịu nhất là đối với những trẻ có mái tóc dày, hay ra mồ hôi hoặc những bé hiếu động thường xuyên chơi đùa. Bên cạnh đó, việc “không có tóc” cũng giúp phụ huynh tiết kiệm một khoảng thời gian trong việc tắm gội cho trẻ. Tuy nhiên, về lâu dài, việc cạo trọc đầu của trẻ sẽ gây ra một số tác hại nhất định.

“Người ta thường nói “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Do đó, mái tóc đóng vai trò hết sức quan trọng trên cơ thể mỗi người. Bên cạnh việc giúp tạo thẩm mỹ, tóc còn được ví là “áo giáp” bảo vệ giúp da đầu tránh các tác nhân gây hại như sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ hoặc sự xâm hại của các vật sắc nhọn. Vì vậy, nếu cạo trọc đầu của trẻ sẽ khiến da đầu dễ bị tổn thương khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Hơn nữa, với những đứa trẻ có làn da mẫn cảm, việc “trơ trụi” đôi khi sẽ khiến da đầu trở nên ngứa và khó chịu hơn”, TS.BS Trần Thị Hoàng phân tích.

Ngoài ra, TS.BS Trần Thị Hoàng lưu ý, việc cạo trọc tóc còn tiềm ẩn khả năng trẻ bị nhiễm trùng, bởi lẽ, trong quá trình cạo tóc, dao cạo thường để sát vào da đầu của trẻ, do đó, không loại trừ khả năng để lại vết xước trên da. Những vi khuẩn từ dao cạo hoặc từ chính những bụi bẩn bám trên da đầu của trẻ sẽ có khả năng xâm nhập vào những vết thương hở gây ngứa ngáy thậm chí viêm nhiễm nếu không đảm bảo vệ sinh. Do đó, nếu có ý định cạo tóc cho con, phụ huynh nên kiểm tra kỹ dao cạo cũng như đảm bảo da đầu của trẻ không quá bẩn, ẩn chứa nhiều vi khuẩn gây hại cho trẻ. Sau khi cạo phải tắm gội sạch sẽ cho trẻ để loại bỏ những vi khuẩn đó.

Theo TS.BS Trần Thị Hoàng, nhiều phụ huynh thấy tóc con khô, cứng hoặc mọc không đều cũng quyết định cạo tóc cho con để “thay” tóc mới ?!. Đây là một quan niệm sai lầm vì tóc dày hay mỏng, mọc đều hay không là do yếu tố di truyền và một phần dinh dưỡng trong quá trình phát triển. Do đó, phụ huynh không nên can thiệp bằng việc cạo trọc đầu của trẻ mà cần chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ nhiều hơn như bổ sung các vitamin cần thiết (sắt, kẽm…), hạn chế sử dụng các loại dầu gội chứa nhiều hóa chất và tránh để tóc trẻ tiếp xúc với nền nhiệt quá cao gây xơ, đứt gãy và gia tăng quá trình “lão hóa” của mái tóc.

TS.BS Trần Thị Hoàng khuyến cáo, để tránh trẻ bị nóng trong mùa hè, bố mẹ cần cắt tóc cho con. Tuy nhiên không được cạo trọc mà chỉ nên cắt ngắn ở mức độ vừa phải đủ để thoáng da đầu cho trẻ; hạn chế cho trẻ chơi đùa ngoài trời nắng, dưới nền nhiệt độ cao và đội mũ cho trẻ khi ra ngoài để bảo vệ phần đầu, tránh cho trẻ bị hấp thụ nhiệt. Bên cạnh đó, trong tiết trời nắng nóng, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn bình thường, do đó, phụ huynh cũng nên chú ý tắm gội sạch sẽ cho trẻ. Cho trẻ chơi ở những nơi thoáng mát và chú ý quan sát lau mồ hôi cho trẻ để tránh khả năng tích tụ vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

Theo TS.BS Trần Thị Hoàng, việc cạo trọc đầu cho trẻ cũng tác động nhất định đến tâm lý của đứa trẻ, nhất là những trẻ đã có nhận thức về tính thẩm mỹ.
Thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng thích cạo trọc đầu vì với cái đầu trọc lóc chúng có thể trở nên “lạc lõng” với bạn bè. Vì vậy, nếu có ý định cạo tóc cho con, phụ huynh nên thương lượng với trẻ, tránh ép buộc khiến trẻ tự ti về ngoại hình, ảnh hưởng không tốt đến quá trình nhận thức và phát triển của trẻ.

Theo Mai Thùy/Giadinh.net.vn

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Cạo trọc đầu của trẻ sẽ khiến da đầu dễ bị tổn thương (https://www.meo.vn/cao-troc-dau-cua-tre-se-khien-da-dau-de-bi-ton-thuong.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *