Cảnh giác với bình sữa nhiễm độc BPA

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Trước thông tin bình sữa nhựa nhiễm BPA gây rối loạn hệ thần kinh, hoạt động sinh sản, Đất Việt trao đổi với TS Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) về cơ chế gây độc của chất này.

Tiến sĩ Phùng Hà cho biết Bisphenol A (BPA) được tổng hợp từ hai hóa chất phenol và acetone. Đây là chất khởi đầu để tổng hợp nhựa PC (polycarbonate) và cũng là loại nhựa vẫn được dùng để sản xuất bình sữa hiện nay. Hằng năm, trên thế giới tiêu thụ hàng triệu tấn BPA, trong đó 5% được sử dụng để làm các sản phẩm có tiếp xúc với thực phẩm.

- Ông nhận định gì xung quanh thông tin các sản phẩm bình sữa có chứa BPA có thể gây rối loạn hệ thần kinh, hoạt động sinh sản…?

- Trong thập kỷ vừa qua có khoảng 130 công trình nghiên cứu về BPA. Các nghiên cứu cho rằng hóa chất này gây nên những tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe như ung thư vú, béo phì, dậy thì sớm và các rối loạn khác. Năm 2007, Viện Quốc gia về sức khỏe của Mỹ xác định có một mối liên quan nào đó giữa sự phát triển của não thai nhi cũng như của trẻ nhỏ với tác dụng của BPA. Tuy nhiên, trước đây cũng có những nghiên cứu cho rằng BPA an toàn khi được dùng trong các loại đồ hộp thực phẩm, kể cả bình sữa trẻ em. Thậm chí một số nhà sản xuất BPA còn cam đoan rằng “BPA không phải là tác nhân gây ung thư cho con người”.

Sau những nghiên cứu và thảo luận, mới đây nhất vào ngày 25/11 vừa qua, Hội đồng điều hành EU cho biết sẽ cấm sử dụng hợp chất hữu cơ BPA trong các chai nhựa dùng cho trẻ em từ năm 2011.

Sữa mẹ tốt và an toàn nhất cho trẻ.

- Các nước trên thế giới phản ứng với BPA như thế nào, thưa ông?

- EU sẽ cấm sử dụng BPA trong các chai nhựa dùng cho trẻ em từ năm 2011. Phần lớn chính phủ các nước thành viên trong EU đều ủng hộ việc cấm sử dụng này. Theo đó, việc cấm nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm có chứa BPA sẽ bắt đầu từ tháng 6/2011.

Canada là nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố BPA là một chất độc hại bất chấp vào thời điểm những tranh cãi còn chưa ngã ngũ về hóa chất này và bất chấp sự phản đối của ngành công nghiệp hóa chất. Từ tháng 3/2010, Bộ Y tế Đan Mạch đã ban hành một lệnh cấm tạm thời việc sử dung BPA trong chai sữa trẻ em, thượng viện Pháp cũng đề xuất việc cấm sử dụng BPA trong chai sữa trẻ em.

"Trước những kết quả nghiên cứu về tác hại của BPA và động thái của EU cùng các quốc gia khác về việc cấm sử dụng BPA trong các bình sữa, các cơ quan quản lý nên xây dựng lộ trình để trong thời gian sớm nhất loại hẳn chất này trong quá trình sản xuất, không cho nhập khẩu những sản phẩm nhựa, trước mắt là các bình sữa có chứa BPA”,

TS Phùng Hà

Tại Mỹ, tháng 3/2009, một số thượng nghị sĩ đã trình bày dự luật cấm sử dụng BPA. Tháng 5 năm đó, bang Minnesota và bang Chicago đã quyết định cấm sử dụng BPA cho các sản phẩm dùng cho trẻ em.

- Ở Việt Nam, BPA được quản lý như thế nào, thưa ông? 

- Hiện Việt Nam chưa có quy định nào về tiêu chuẩn an toàn của chất BPA. Bộ Y tế chỉ kiểm duyệt mức độ thôi nhiễm của hóa chất, trong đó có BPA từ bao bì bằng chất dẻo ra thực phẩm, chứ không quản lý về chất lượng của bao bì.

Tại nước ta, bình sữa có nhiều nguồn khác nhau từ sản phẩm Nano Silver của Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ (Dr. Brown’s, MAM), Đức (Nuk), Thụy Sỹ (Medela) tới bình sữa trẻ em nhãn hiệu Trung Quốc, trong đó có sản phẩm đề không chứa BPA (BPA free hoặc không chứa BPA). Giá cả dao động rất khác nhau từ 15.000 đến 150.000 đồng một bình, thường thường ở mức 30.000  - 50.000 đồng.

Khi sử dụng bình sữa, các bà mẹ và người sử dụng cần lưu ý một số điểm sau: Chọn loại nhựa polypropylene (PP) thay thế nhựa polycarbonate hoặc dùng đồ thuỷ tinh, sành sứ để đựng đồ ăn, cũng như bình sữa cho con uống. Với đồ nhựa, nên sử dụng ở nhiệt độ thông thường, tránh việc đựng thức ăn ở nhiệt độ cao, hạn chế tối đa việc dùng đồ nhựa trong lò vi sóng. Không nên cho trẻ nhỏ chơi đồ chơi bằng chất dẻo và nhựa, hạn chế dùng núm vú giả. Tránh mua những sản phẩm không rõ xuất xứ, không ghi loại vật liệu dùng để sản xuất.

- Xin cảm ơn ông!

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Cảnh giác với bình sữa nhiễm độc BPA (https://www.meo.vn/canh-giac-voi-binh-sua-nhiem-doc-bpa.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *