cách hay trị hăm tã cho bé

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Ngày nay, các mẹ có điều kiện nuôi con hiện đại hơn nhưng không vì thế mà các bé thoát khỏi nỗi khổ hăm da. Điển hình là những bé có mẹ “bồ kết” với việc đóng bỉm cho con tứ mùa.

Hăm da thường gặp ở trẻ nhỏ. Đó là hiện tượng da bé có màu hồng nhạt, tạo vảy mỏng, đôi khi có mụn nước bóng, nổi mẩn đỏ hoặc tấy lên do nhiễm trùng. Hăm da làm cho bé rất khó chịu nên thường ngủ không yên giấc, hay quấy và khóc toáng lên mỗi khi tã ướt chưa kịp thay hoặc khi lau rửa chạm vào vùng da bị hăm.

Đâu là nguyên nhân?

Da bé hăm thường là do phải tiếp xúc với tã lót ẩm ướt (vì nước tiểu và phân ứ lại). Khi xưa, các mẹ thường quấn tã vải và “độn” thêm miếng vải xô cho bé nên sau khi bé tè, ị mà mẹ chưa kịp thay thì sự ướt át đó cộng thêm sự phát tác của vi khuẩn khiến bé rất dễ bị hăm. Hoặc mẹ cũng thay kịp thời nhưng bận nên không rửa sạch sẽ cho bé thì cũng tạo cơ hội cho hăm xuất hiện.

Da bé hăm thường là do phải tiếp xúc với tã lót ẩm ướt. (Ảnh minh họa).

Ngày nay, các mẹ có điều kiện nuôi con hiện đại hơn nhưng không vì thế mà các bé thoát khỏi nỗi khổ hăm da. Điển hình là những bé có mẹ “bồ kết” với việc đóng bỉm cho con tứ mùa. Bỉm hơn hẳn tã lót bằng vải thông thường ở chỗ có thể hạn chế phân và nước tiểu dính nhoe nhoét vào vùng kín của bé nhưng vẫn làm cho việc thoát hơi nước ở đó bị ngưng trệ. Mùa lạnh thì còn đỡ, mùa nóng mà đeo một chiếc bỉm suốt mấy tiếng đồng hồ thì bí bách vô cùng. Đã thế, mẹ còn phó mặc cho bỉm, cứ vô tư buôn chuyện hoặc làm nhiều việc khác mà quên thay rửa cho con để đến khi nhớ ra thì em bé đã phải mang một chiếc bỉm nặng trịch mất rồi!

Một nguyên nhân hay gặp nữa là do lạm dụng phấn rôm. Nhiều mẹ rất thích thoa một lượt phấn rôm cho bé sau khi bé tắm xong. Cảm giác bé thơm tho, mát mẻ khiến mẹ lầm tưởng rằng phấn rôm có thể làm mát da mát thịt, chống rôm sẩy và chống hăm. Thực chất phấn rôm dễ làm bít tắc chân lông, gây khó khăn cho việc thoát ẩm của da và khiến hăm da xuất hiện.

Ngoài ra, hăm da ở bé còn do một số nguyên nhân khác như da bé bị kích ứng với chất liệu của tã lót, do tã lót của bé không được sạch sẽ, bé bị quấn tã quá chặt, bé chuyển sang ăn thức ăn mới, bé bị tiêu chảy kéo dài…

Cách xử lý

Hăm da tuy nghiêm trọng nhưng nếu được phát hiện sớm và xử lý ngay thì vùng da hăm sẽ nhanh chóng lành lặn. Quan trọng nhất vẫn là chú trọng vệ sinh cho bé.

-    Khi bé đã bị hăm da thì nên hạn chế đóng bỉm đến mức tối đa.

-   Tã lót của bé nên bằng vải sợi cotton và được giặt sạch sẽ bằng xà phòng nhẹ (xà phòng thơm, dầu gội đầu, sữa tắm), phơi hoặc sấy khô rồi mới sử dụng.

-    Kích cỡ của tã lót và bỉm cần phải phù hợp với cơ thể của bé và không quấn quá chặt.

-    Phòng ngủ, giường nằm của bé phải sạch sẽ, thoáng mát.

Cố gắng để bé được “nuy” mỗi ngày vài lần giúp cho da được khô thoáng. (Ảnh minh họa).

-    Mẹ bé cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với da bé và nhớ kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện khi tã lót của bé ướt.

-    Phải rửa vùng kín cho bé ngay sau khi bé đi vệ sinh xong bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới. Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm.

-    Cố gắng để bé được “nuy” mỗi ngày vài lần giúp cho da được khô thoáng.

-    Huấn luyện cho bé biết tè, ị khi mẹ “xi xi”, lúc đó bé có thể mặc quần như “người nhớn” và không sợ bị hăm.

Thuốc điều trị hăm da:

- Thuốc tím: pha mỗi gói nhỏ với 2 lít nước sạch rửa vùng da hăm, thấm khô.

- Xanh methylen, Betadine: sau khi vệ sinh và lau khô vùng da hăm, lấy tăm bông chấm thuốc bôi vào đó chỗ hăm.

- Thuốc mỡ Bepanthen (Dexpanthenol) tuýp 30g: mỗi ngày bôi 2 lần một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị hăm sau khi đã rửa sạch và thấm khô.

Vài bài thuốc dân gian chống hăm

- Dùng lá chè xanh hoặc nụ vối hoặc lá trầu không rửa sạch, cho vào nước đun lên. Lấy nước đó đổ vào chậu cho nguội bớt. Khi nước còn hơi âm ấm, dùng rửa vùng da hăm cho bé.

- Lấy một nắm lá khế rửa sạch, vẩy khô, giã nát cùng chút muối, cho thêm nước sôi để nguội rồi chắt lấy nước chấm vào chỗ da bị hăm.

- Lấy búp ổi hoặc lá ổi rửa sạch, đun lên lấy nước rửa.

- Lấy độ 5-7 cây cỏ sữa loại lá nhỏ, rửa sạch, giã nát hoặc đun sôi lên lấy nước bôi vào chỗ da bị hăm.

Việc điều trị hăm da không chỉ dừng lại ở khâu vệ sinh, sử dụng thuốc mà phải giải quyết nguyên nhân gây hăm da.

-    Ngừng ngay việc bôi phấn rôm và các loại kem dưỡng da cho bé.

-    Thay loại tã lót khác nếu bé bị phản ứng với tã lót cũ.

-    Thức ăn dặm cần thay đổi từ từ, xen kẽ giữa món cũ và món mới để cơ thể bé quen dần.

-    Điều trị triệt để bệnh tiêu chảy của bé, chú ý phòng chống mất nước và muối khoáng…

Thường sau khi được vệ sinh và chăm sóc tốt, tình trạng hăm da sẽ được cải thiện đáng kể nhưng điều này phải được duy trì thường xuyên khi chăm sóc bé. Cần đưa em bé đến bệnh viện nếu có một trong các yếu tố sau: hăm da vẫn tiếp diễn sau một tuần thực hiện những biện pháp khắc phục nêu trên; hăm da ở bé chưa được 6 tuần tuổi; bé bị hăm kèm theo sốt; da bị hăm có mụn mủ hoặc vết loét; da vùng hăm sưng tấy; bé bị hăm ở cả những vùng da khác ngoài vùng mông – sinh dục.

Bác sĩ Đào Tuyết
Trung tâm Truyền thông và GDSK Trung Ương

Meo.vn (Theo Eva)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: cách hay trị hăm tã cho bé (https://www.meo.vn/cach-hay-tri-ham-ta-cho-be.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *