Biến đổi “da, lông, tóc” ở phụ nữ mang thai

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Khi người phụ nữ mang thai, ngoài những biến đổi, xáo trộn khác trong cơ thể, thì da dẻ, lông, tóc của chị em lúc này cũng có những thay đổi.

Thay đổi ở lông, tóc...

Những đổi thay trên da ở người phụ nữ thời điểm mang thai phần lớn là do tác động bởi hóc-môn trong cơ thể. Tại buổi hội thảo chuyên đề về 'Bệnh da và thai kỳ', do Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) tổ chức, các bác sĩ da liễu cho biết: các đổi thay trên da có thể là bình thường, nhưng có những trường hợp sự đổi thay đó là do bệnh lý. Có những thay đổi lâu dài, cũng có những thay đổi chỉ tạm thời trong lúc có thai, hay một thời gian ngắn sau mang thai. Khi mang thai, lông mặt, lông tay, lông chân... ở người phụ nữ nhiều hơn, đen hơn, tóc lại có thể bị thưa hơn (do rụng tóc), rụng tóc có thể kéo dài 1-5 tháng cho đến 15 tháng sau khi sinh con. Tuy nhiên, chị em chớ quá lo ngại, vì tóc sẽ mọc lại sau đó. Khi mang thai, phụ nữ còn thay đổi về sắc tố, phần lớn là tăng sắc tố gây ra tình trạng sạm da (nguyên nhân là do tác động của estrogen, progesterone trên những tế bào sắc tố, gây sản xuất nhiều melanin hơn). Sự thay đổi màu sắc da ở phụ nữ mang thai thường thấy nhất là ở đường giữa bụng, ở quầng vú, núm vú, mặt trong hai bên đùi, nách, bộ phận sinh dục...

Có khoảng 50% phụ nữ mang thai xuất hiện đám thâm (rám má) ở mặt, những phụ nữ có màu da sáng, và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều, thì sẽ bị nhiều hơn.

Những bệnh da trong thai kỳ

Trước hết, mề đay sẩn ngứa là bệnh phát ban thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Bệnh thường xuất hiện lần đầu vào thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ. Các ban mề đay nhỏ, màu đỏ, liên kết với nhau thành từng đám ở vùng bụng. Vài tuần sau khi nổi, các đám ban này có thể lan đến đùi, mông, ngực... và gây ngứa rất dữ. Bệnh thường kéo dài khoảng 6 tuần, và tự khỏi 1-2 tuần sau sinh, bệnh không gây nguy hại cho mẹ và thai nhi. Tiếp theo là tình trạng vàng da ở phụ nữ mang thai, do ứ mật trong gan gây ra. Vàng da xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ, thường gặp nhất ở phụ nữ có thai đôi, thai ba. Ngứa bắt đầu ở lòng bàn tay, bàn chân, sau đó lan đến các vùng khác trên cơ thể. Sau khi sinh, cả ngứa và vàng da đều tự khỏi. Có khoảng 40-50% trường hợp có thể gặp lại ở lần mang thai sau. Ngoài ra, phụ nữ mang thai còn có thể gặp những bệnh da khác như: chóc dạng herpes; sẩn ngứa nang lông...

Rạn da cũng thường xảy ra vào giai đoạn nửa sau của thai kỳ (do thay đổi các mô liên kết), với khoảng 50-90% phụ nữ mang thai gặp phải. Các vết rạn màu đỏ sáng hay đỏ tím. Các vết rạn chủ yếu tập trung ở vùng bụng dưới, kế đó là ở đùi, mông, hông, vú, cánh tay. Người da sáng thì các vết rạn thường có màu hồng nhạt, còn người da sẫm thì các vết rạn thường có màu sáng hơn màu da. Những vết rạn da không gây đau, nhưng do sự căng và duỗi ra của da nên có thể gây cảm giác ngứa và châm chích. Những phụ nữ có mẹ bị rạn da khi mang thai, thì họ cũng sẽ dễ bị rạn da hơn; tăng cân nhiều quá lúc mang thai cũng dễ bị rạn da; đã bị rạn ở lần mang thai trước, thì lần mang thai sau sẽ dễ bị...

Theo Thanh Niên

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Biến đổi “da, lông, tóc” ở phụ nữ mang thai (https://www.meo.vn/bien-doi-da-long-toc-o-phu-nu-mang-thai.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *