Bếp ấm

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

“Chưa bao giờ, vào các buổi chiều, sự ấm áp lại thiếu vắng đến thế trong những căn nhà nhiều khi rất sang trọng và cũng chưa bao giờ hạnh phúc lại mong manh dễ vỡ đến thế”.

“Cô viết cho em một cái gì đó về tinh hoa Hà Nội, lụa Vạn Phúc chẳng hạn”, cô nhà báo xinh đẹp nói với tôi như vậy, nhưng thấy tôi lắc đầu quầy quậy, hôm sau cô lại gọi điện: “Cái bếp, em nghĩ ra rồi, cô viết cho em về cái bếp, nơi ấm nhất ấy mà!” Tôi không kịp nghĩ về bước chuyển tiếp kỳ quặc: tinh hoa Hà Nội – cái bếp, thì như có một câu thần chú kiểu “Vừng ơi…”, ngay lập tức trong đầu tôi vụt hiện một gian bếp bé tí, lửa cháy rừng rực, mùi cùi cháy, mùi khói, mùi gạo nếp hòa trộn với nhau. Đó là vào thời hậu chiến – nay đã xa lắc – còn khó khăn hơn cả thời chiến.

Năm ấy, kể từ lâu lắm, lần đầu tiên có những xe tải bộ đội chở lá dong từ mạn ngược về chợ Hàng Da. Cái đuôi xếp hàng của con rể tôi chạy từ đầu chợ qua phố Đường Thành cho đến phố Phùng Hưng. Và đêm ba mươi ấy, trong gian bếp bé tí của gia đình tôi ở phố Lý Nam Đế, đã có một nồi bánh chưng đặt trên mấy viên gạch xếp lại.

Thằng Cu, đứa cháu ngoại đầu của tôi lúc ấy mới hai tuổi, phục phịch đi từ ngoài đêm lạnh vào, lửa kêu lách tách, bọt nâu óng ánh như màu kẹo caramen sùi ra từ đầu những thanh củi, gian bếp thơm và ấm lạ lùng. Nó ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu chất thật nhiều củi vào bếp. Hẳn chắc nó nghi bánh sẽ chín nhanh hơn. “Không, con ạ, con phải dựng lên cho củi chụm vào và để một lỗ hổng cho củi cháy to”. Nó hiểu ngay, và bên cạnh lửa, đôi má tròn của nó đỏ hồng. Nay nó đã đi rất xa. Trở thành một thanh niên cao vút, say mê nghề game designer, chắc nó đã quên gian bếp nhỏ và không biết rằng bà ngoại nó đã sống ở đấy những thời điểm thật hạnh phúc. Đó là gian bếp gia đình đầu tiên mà chúng tôi có được.

“Trước cửa lúc nào cũng phải có một cái bô, mẹ ạ”. Con gái tôi vừa bổ sung. Đúng, một cái bô trẻ con, sáng nào Cu cũng ngồi ngẫm nghĩ trên đó rất lâu, trong khi con gái tôi chạy cuống cuồng xung quanh, sợ muộn. “Con chưa xong, mẹ ạ!”, Cu nói, hy vọng bằng cách đó trì hoãn thời gian phải leo lên xe đạp của mẹ, đến vườn trẻ.

Bếp Việt vào những năm 1920. Ảnh: SGTT

Đi ngược lên thời gian khoảng hai chục năm về trước, khi Cu chưa sinh ra và chúng tôi mới dọn đến ngôi nhà này, chỉ có bếp tập thể. Thằng con trai út của tôi mới năm, bảy tuổi, buổi trưa thường đội về để che nắng, một tầng cháy mỏng dính, ăn giòn tan – cháy của nồi gang!

“Một thời đạn bom, một thời chiến tranh”, gạo châu củi quế, cái bếp thu lại thành một chậu than cũ với một ít tro và một cái kiềng đặt ở ngoài hành lang. Nó vẫn là bếp ấm bởi vì, vào những ngày ngừng bắn hiếm hoi, tôi và con gái tôi vẫn có thể ra phố Đồng Xuân để mua vé chỉ ba bốn cuống nấm hương cũng đủ thơm lừng một nồi canh thịt. Đây là thức ăn ngày Tết của chúng tôi cùng một cái bánh chưng, một nhành hoa tím và một bông thược dược. Chồng tôi đi mặt trận nhưng nhìn mắt các con tôi, tôi cảm thấy vẫn có sự hiện diện của anh ấy trong căn nhà.

Cũng vào thời gian này, mỗi khi lên khu sơ tán của trường Tổng hợp, “dân khoa Văn” tới bếp ăn tập thể để ăn gạo hẩm và bánh bao mì mốc. Và để vui vẻ kể cho nhau nghe mọi chuyện trên trời dưới đất: “Ông” Liên nấu cháo trong mảnh nilong buộc lại mà vẫn chín (!). “Ông” LTH, tiếng Việt chưa sõi, khi giảng bài, liên hệ với Truyện Kiều, đã gọi nàng Kiều là “bà đĩ”… Nhưng tất cả chúng tôi đều có bếp riêng, bếp của người dân xã Vạn Thọ.

Dân ở đây ăn bữa sáng và bữa trưa, nhịn bữa chiều, còn cán bộ khoa Văn ăn bữa trưa và chiều nhịn bữa sáng. Dân Vạn Thọ rất thương cán bộ khoa Văn. Sao có thể ăn thứ gạo hẩm đó chứ? Gạo mới của họ mềm và dẻo, rất thơm. Trước khi hợp tác hóa, ông chủ nhà của tôi vốn có họ hàng bên kia biên giới, đã được căn dặn: “Để tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, phải chuẩn bị trước nhiều thóc gạo”. Và ông đã chăm chỉ vỡ những thửa đất thấp xung quanh đồi. Sáng sớm, ngồi trong gian bếp rộng, lửa cháy đùng đùng như những gộc to, tôi ăn bát cơm nóng, chan tương hoặc cá kho chắn ngoài đồng.

Nhưng tôi đã đi qua bao ngôi nhà và ngồi bên bao bếp lửa ấm như vậy? Hoặc cạnh một bà cụ gày guộc hiền từ đã biết an ủi tôi khi tôi lo sợ cho đám học sinh nghịch ngợm của tôi. Hoặc cạnh một chị chủ mặt xanh lướt, chị nói với tôi chị bắt đầu ốm từ khi con trai lớn của chị đi bộ đội, rồi bặt tin… Lòng dân như lòng mẹ, vẫn là nơi ấm nhất.

Lại đi ngược lên nhiều năm về trước nữa mới tìm tới được gian bếp của mẹ tôi. Đó là vào cuối năm 1947 – 1948, khi chúng tôi mới rời khỏi Hà Nội ít lâu, về ở làng Yên Lộ, Thanh Hóa. Ông Lê Chủ, phó chủ tịch tỉnh cũng là chủ nhà đã cho xây thêm vào gian nhà chính một gian bếp nhỏ bằng đất nên rất mịn, sạch sẽ cực kỳ. Ở đấy, mẹ tôi nấu cho chúng tôi những món ăn đơn giản với rau trồng trong vườn. Vào phiên chợ, được ký hiệu rất rõ bằng xâu thịt nạc thăn mẹ tôi mua từ chợ về kho lên thơm phức. Ngày Tết, chúng tôi chầu sẵn ở bếp, xung quanh mẹ, bà đang làm bánh. Bánh ngào, thức bánh nặn tròn nấu trong mật mía có thả gừng, tham đến mấy cũng không ăn ngay được vì rất nóng. Còn bánh nhãn, vo viên rồi rán trong mỡ thì có thể ăn giòn. Cái bếp nhỏ này ấp ủ trong nó những ước mơ của tuổi mới lớn, vui buồn lẫn lộn. Chính tại đây, vào một ngày đầu thu, bởi vì ngoài kia hoa sen trong hồ của bà chủ đã tàn, chỉ còn lại hương của lá, tôi đã áp trán vào cửa sổ, nhìn ra sân bếp, nơi nhảy nhót những đốm nắng, “để khóc cho mối tình đầu” (!), thực ra nó giống hơn với một giấc mộng, nhưng vào thời đó, mộng và thực gần nhau tới mức thật khó mà phân biệt.

Đến đây tôi tự hỏi: Nhưng nói về “cái bếp” làm gì khi mà không ai còn muốn trở lại thời “bếp lửa”, khi nó chỉ còn tồn tại ở vùng xa, vùng sâu, vùng nghèo”. Cuộc sống hiện đại và bếp gas, bếp điện, lò vi sóng đã giải phóng thời gian cho người phụ nữ. Tiện nghi vẫn là một cái gì đáng giá.

Tuy nhiên, với một dân tộc đã sống nhiều năm với chiến tranh và nông thôn, ký hiệu dai dẳng của bếp lửa vẫn gắn với một cái gì thật ấm áp, bếp lửa luôn gợi trong ta hình ảnh của một vùng quê, một ngôi nhà và một gian bếp mà vào mỗi buổi chiều, những người chúng ta thương yêu có thể trở về sum họp với những niềm vui giản dị: Một bữa cơm thanh đạm, một đĩa cá kho và ai trong chúng ta đã chẳng từng một lần lấy ra từ trong tro bếp một khúc sắn lùi hay một củ khoai nướng?

Còn nữa, thuộc về một thế hệ từng đi qua ba mươi năm chiến tranh, tôi đã không viết được gì về những bếp lửa mà các anh bộ đội nhóm lên giữa rừng, trên đường ra trận. Ánh lửa soi lên những gương mặt thân thương nay còn, mai kia có thể mất khi vào trận… Đôi khi ánh lửa còn rọi lên một gương mặt phụ nữ xa xôi, nhớ nhung từ bếp lửa này qua bếp lửa khác.

Nhớ em đôi mắt hay cười
Nói những chuyện tương lai
Em đang ở đâu
Đáy rừng nào heo hút?
Bên một bếp lửa nào…
(Trích thơ Nguyễn Đình Thi)

Tương lai mà họ đã mơ ước khi ngồi bên bếp lửa giữa rừng ư? Hiện nay điều ấy thật khó nói. Dường như chưa bao giờ vào các buổi chiều, sự ấm áp lại thiếu vắng đến thế trong những căn nhà nhiều khi rất sang trọng, và cũng chưa bao giờ hạnh phúc lại mong manh dễ vỡ đến thế. Sung sướng thay những gia đình vẫn còn giữa được bếp ấm.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Bếp ấm (https://www.meo.vn/bep-am.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *