Bệnh viện quá tải, gầm giường thành… giường bệnh

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

“Nội chạy lòng vòng trong bệnh viện không cũng đủ mệt! Tôi biết chữ mà còn đọc không hiểu quy trình, hướng dẫn tại các quầy khám như thế nào. Huống chi bệnh nhân có người không biết chữ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét về quy trình, sắp xếp các khâu khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Hôm qua (14.1), Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là nơi Bộ trưởng Bộ Y tế mở đầu cho đợt kiểm tra, làm việc với các bệnh viện ở TP.HCM sau một năm thực hiện các biện pháp giảm tải bệnh viện. Đây cũng là bệnh viện chịu quá tải nhiều nhất ở TP.HCM.

 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng quà cho bệnh nhi tại
Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Gầm giường thành “giường bệnh”

Tại bệnh viện, ngay từ cổng vào đến các phòng khám, vẫn là cảnh tượng “thường ngày ở huyện”: Bệnh nhân chen chúc nhau ngồi chờ khám la liệt. Thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy, bệnh viện hiện có 9 phòng khám, với 15 bác sĩ nhưng trung bình phải khám cho 1.500 lượt bệnh nhân/ngày.

Đóng vai trò là trung tâm điều trị ung thư của cả phía Nam và miền Trung, Tây nguyên, Bệnh viện Ung bướu đang có số lượng bệnh nhân nằm viện khổng lồ với 1.500-1.700 người. Trong khi đó, bệnh viện chỉ có quy mô hơn 600 giường bệnh. Như thế, chuyện bệnh nhân phải nằm ghép chung 2-3 người/giường là tất yếu.

Nhức nhối hơn, bệnh viện phải tận dụng cả gầm giường, sàn nhà làm “giường bệnh” cho bệnh nhân, ngay cả đối với khoa Nhi. Trong những bệnh nhân nằm dưới sàn nhà, gầm giường, có nhiều em bé phải “tạm cư” điều trị như vậy suốt cả năm nay. Còn người nhà bệnh nhân thì trải chiếu, chăn mùng la liệt cả lối đi, sân bệnh viện.

Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), nếu như năm 2011, số bệnh nhân các tỉnh chiếm 60-70% thì năm 2012 đã tăng lên 78%, trung bình số lượng bệnh nhân các tỉnh tăng 10%/năm.

Số bệnh nhân đợi xạ trị khoảng 800 lượt (so với năm 2011 là 1.000 lượt).

“Chạy lòng vòng cũng đủ mệt”

Bên cạnh đó, bà Tiến ghi nhận, bệnh nhân phải chạy quá nhiều vòng trong bệnh viện. Ở mỗi khâu khám chữa bệnh (từ quầy khám, đến quầy thuốc, xét nghiệm, trả xét nghiệm,…), thường thì bệnh nhân phải chạy tít từ đầu này đến đầu kia của bệnh viện.

“Nội chạy lòng vòng trong bệnh viện không cũng đủ mệt! Tôi biết chữ mà còn đọc không hiểu quy trình, hướng dẫn tại các quầy khám như thế nào. Huống chi bệnh nhân có người không biết chữ” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhận xét về quy trình, sắp xếp các khâu khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, tính toán, toàn bộ quy trình khám chữa bệnh của một bệnh nhân tại bệnh viện trong một lần khám mất khoảng 2 giờ. Trong đó, khâu lấy số điện tử và làm thủ tục khám chỉ mất 5 phút. Tuy nhiên, thời gian chờ để đến lượt làm thủ tục mất đến 40-60 phút. Sau đó, bệnh nhân lại phải chờ 30-60 phút nữa mới đến lượt mình vào khám. “Như vậy, thời gian còn lại để bệnh nhân gặp bác sĩ, được bác sĩ khám rất ít”, bác sĩ Dũng nhìn nhận.

Theo bác sĩ Dũng, thời gian chờ của bệnh nhân quá lâu do bệnh viện quá quá tải.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện cải thiện thêm về quy trình khám chữa bệnh để giảm tải số lượng bệnh nhân chờ khám, tăng thêm số lượng bác sĩ, đồng thời có phương án bố trí nhà trọ cho người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, về lâu dài, biện pháp căn cơ để giảm tải là bệnh viện cần được đầu tư mở rộng quy mô để đáp ứng số lượng bệnh nhân khổng lồ.


Bệnh nhân ngồi chờ khám ngay từ cổng Bệnh viện Ung bướu


Xếp hàng trước các khoa, phòng


Bất cứ khoảng không nào của bệnh viện cũng được tận dụng triệt để làm chỗ chờ khám


Chen chúc đăng ký khám bệnh


Người nhà bệnh nhân “tạm cư” ngay tại hành lang, sân bệnh viện


Bệnh nhân nằm ghép giường


Tràn cả xuống sàn


Và cả gầm giường cũng trở thành giường bệnh

(Theo Thanhnien)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Bệnh viện quá tải, gầm giường thành… giường bệnh (https://www.meo.vn/benh-vien-qua-tai-gam-giuong-thanh-giuong-benh.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *