Bệnh tim mạch và thai sản

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Quan điểm trước đây cho rằng, khi bạn bị bệnh tim thì không nên lấy chồng. Nếu có lấy chồng thì không nên mang thai và nếu có thai thì không nên đẻ, nếu đẻ thì không nên cho con bú… Vấn đề đặt ra là bản thân người bệnh phải có sự hiểu biết, có kế hoạch và chủ động trong việc sinh đẻ của mình.

Với sự phát triển của khoa học, đa số các bệnh tim hiện nay có thể được chữa một cách hiệu quả để người phụ nữ trở về với thiên chức theo đúng nghĩa của nó. Bản thân các bệnh tim mạch lại có nhiều thể và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Với nhiều bệnh tim thể nhẹ (chiếm đa số), việc mang thai hầu như không ảnh hưởng nhiều đến người mẹ. Ngược lại, một số bệnh nhân có bệnh tim nặng, chưa được giải quyết hoặc không thể giải quyết một cách triệt để trước khi mang thai mà vẫn mang thai thì có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con. 

Phụ nữ bị bệnh tim cần được tư vấn bác sĩ trước khi có ý định mang thai

Bệnh tim bẩm sinh

Thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch là những bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất. Các bệnh này đều có một lỗ thông ở vách tim (phần cơ ngăn cách tim trái với tim phải). Nếu lỗ thông lớn, máu từ tim trái sẽ đi qua tim phải và được bơm trở lại phổi.

Đa số phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh, nhất là những người đã làm phẫu thuật sửa chữa, đều có thể mang thai. Tuy nhiên, loại tổn thương bẩm sinh, mức độ nặng của bệnh, có hay không tăng áp lực động mạch phổi, tiền sử phẫu thuật tim, các bệnh tim hay phổi kèm theo là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiên lượng. Những phụ nữ bệnh tim bẩm sinh đã có tăng áp lực động mạch phổi không nên mang thai, vì điều đó sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của mẹ.

Ở phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh, dần dần sẽ có dấu hiệu của suy tim và sẽ nặng lên, làm tăng nguy cơ biến chứng lâu dài ở mẹ.

Nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ tim mạch sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim của bạn khi bạn dự định có thai, và tư vấn về những nguy cơ có thể gặp. Bác sĩ tim mạch cũng sẽ cùng các bác sĩ khác theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai trong quá trình mang thai.

Bệnh van tim

Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van động mạch chủ (ngăn giữa thất trái và động mạch chủ) bị hẹp hoặc xơ cứng. Cùng với thời gian, các triệu chứng suy tim sẽ xuất hiện hoặc nặng lên, làm tăng nguy cơ biến chứng lâu dài ở mẹ.

Phụ nữ có van động mạch chủ hai lá hoặc các loại hẹp van động mạch chủ khác cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai. Đôi khi, cần tiến hành phẫu thuật van tim trước khi mang thai.

Hẹp van hai lá là tình trạng van hai lá (ngăn giữa nhĩ trái và thất trái) bị hẹp. Nguyên nhân thường gặp là thấp tim.

Tăng thể tích máu và tăng nhịp tim khi mang thai sẽ làm nặng triệu chứng của hẹp hai lá. Nhĩ phải có thể giãn rộng, gây tình trạng nhịp tim nhanh không đều gọi là rung nhĩ. Ngoài ra, có thể gặp các triệu chứng suy tim như khó thở, loạn nhịp tim, mệt mỏi, phù. Suy tim sẽ làm tăng nguy cơ cho mẹ. Một số trường hợp cần điều trị thuốc khi mang thai để làm giảm triệu chứng. Phụ nữ có bệnh hẹp van hai lá phải đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi họ dự định có thai. Đôi khi cần tiến hành phẫu thuật van tim trước khi mang thai.

Sa van hai lá là bệnh phổ biến, thường ít gây triệu chứng và không cần điều trị. Đa số phụ nữ bị sa van hai lá có thể mang thai an toàn. Nếu sa van hai lá gây hở van tim nhiều, cần điều trị trước khi mang thai. Tốt nhất là tuân theo chỉ định của thầy thuốc.

Bệnh có van tim nhân tạo

Phụ nữ với van tim nhân tạo có thể gặp biến chứng khi mang thai. Người đã mổ thay van nhân tạo phải dùng thuốc chống đông suốt đời, trong khi một số thuốc chống đông có thể gây hại cho thai nhi. Nguy cơ đông máu tăng lên khi mang thai.

Nếu bạn có van tim nhân tạo và đang sử dụng thuốc chống đông, đi khám bác sĩ trước khi mang thai là rất quan trọng. Bạn sẽ được tư vấn về những nguy cơ có thể gặp và lựa chọn thuốc chống đông tối ưu.

Ngoài ra, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều trị dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Rối loạn nhịp tim

Hay gặp nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim) trong quá trình mang thai. Các rối loạn nhịp có thể được phát hiện lần đầu khi mang thai ở phụ nữ không có bệnh tim, hoặc là hậu quả của bệnh lý tim mạch sẵn có. Hầu hết các trường hợp không biểu hiện triệu chứng và không cần điều trị. Nếu triệu chứng tiến triển, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây rối loạn nhịp.

Bệnh động mạch chủ

Phụ nữ có bệnh lý động mạch chủ, như phình động mạch chủ, giãn động mạch chủ, hoặc bệnh lý mô liên kết như hội chứng Marfan, sẽ tăng nguy cơ biến chứng nặng khi mang thai.

Tăng áp lực động mạch chủ khi mang thai, cũng như trong lúc chuyển dạ và rặn đẻ sẽ làm tăng nguy cơ bóc tách hoặc vỡ động mạch chủ. Đây là những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh.

Phụ nữ có bệnh động mạch chủ cần đi khám khi dự định có thai. Bác sĩ sẽ nắm được những nguy cơ tiềm ẩn của quá trình mang thai. Điểm quan trọng cần lưu ý là một số bệnh, như hội chứng Marfan, là bệnh di truyền và có thể được truyền từ mẹ sang con. Vì thế cần tham vấn chuyên gia di truyền học.

Bệnh cơ tim chu sản

Bệnh cơ tim chu sản là bệnh lý hiếm gặp, trong đó tình trạng suy tim tiến triển trong tháng cuối của thai kì hoặc trong vòng 5 tháng sau khi đẻ. Nguyên nhân của bệnh còn chưa rõ ràng.

Phụ nữ có bệnh cơ tim chu sản sẽ biểu hiện các triệu chứng của suy tim. Sau khi đẻ, kích thước và chức năng tim trở về bình thường, mặc dù một số người vẫn còn triệu chứng, kèm theo chức năng thất trái giảm. Phụ nữ bệnh cơ tim chu sản sẽ tăng nguy cơ biến chứng trong những lần mang thai tiếp theo.

Tăng huyết áp do thai nghén

Khoảng 6-8% phụ nữ có tăng huyết áp trong khi mang thai. Tăng huyết áp do mang thai liên quan đến tiền sản giật và nhiễm độc thai nghén. Các đặc điểm đặc trưng của nó là tăng huyết áp, phù do ứ nước, và protein niệu. Tăng huyết áp do mang thai có thể nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

Tiếng thổi ở tim

Đôi khi, có thể gặp một tiếng thổi ở tim, như là hệ quả của tình trạng tăng lưu lượng máu khi mang thai gọi là tiếng thổi cơ năng. Nói chung, tiếng thổi này lành tính. Tuy nhiên nó cũng có thể là biểu hiện tổn thương thực thể của van tim. Hãy đi khám bác sĩ để xác định căn nguyên của tiếng thổi này.

Những điểm cần lưu ý khi đã mang thai

Cần có chế độ ăn có lợi cho hệ tim mạch; tập thể dục đều đặn theo lời khuyên của bác sĩ.

Bên cạnh việc khám thai định kỳ, cần đều đặn đến khám chuyên khoa tim mạch và tuân thủ những chỉ dẫn của thầy thuốc. Bác sĩ tim mạch sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim của bạn trong suốt quá trình mang thai, phát hiện và xử trí kịp thời các triệu chứng và biến chứng. Đảm bảo bạn sẽ mang thai an toàn và được “mẹ tròn con vuông”.

Một số bệnh lý tim mạch đòi hỏi cả một ê-kíp chăm sóc bệnh nhân, gồm bác sĩ sản khoa, bác sĩ tim mạch, bác sĩ gây mê và bác sĩ nhi. Tùy theo tình trạng bệnh của sản phụ, sẽ có những chế độ theo dõi đặc biệt khi sản phụ chuyển dạ và sinh con.

Meo.vn (Theo Sức khỏe và Đời sống)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Bệnh tim mạch và thai sản (https://www.meo.vn/benh-tim-mach-va-thai-san.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *