Bệnh sốt xuất huyết

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Các vị khách mời: Giáo sư Tiến sĩ Đặng Đức Phú (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) và Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm- Phó Trưởng khoa virus ký sinh trùng (Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia) giải đáp những câu hỏi của bạn đọc xung quanh việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; cách nhận biết, xử lý khi gia đình có người thân mắc bệnh sốt xuất huyết.

(VOV)_Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, có thể bộc phát thành dịch, đe dọa sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng. Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao.  

Trong vòng 1 tháng qua, có những lúc bệnh sốt xuất huyết đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Nam. Tại Hà Nội, tính đến ngày 11/8, đã có 215 bệnh nhân sốt xuất huyết rải rác tại địa bàn 90 phường, xã của 14 quận huyện, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh này, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Đức Phú (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) và  Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm- Phó Trưởng khoa virus ký sinh trùng (Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia); tham gia chương trình Phòng mạch Online sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bạn đọc xung quanh việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; cách nhận biết, xử lý khi gia đình có người thân mắc bệnh sốt xuất huyết.

* Cháu muốn hỏi những triệu chứng nào để phát hiện bệnh SXH? Làm thế nào phát hiện bệnh sớm và nếu nghi bị SXH thì phải đưa đến bệnh viện ngay phải không?(Thái Anh, 20 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Những triệu chứng để phát hiện bệnh SXH là sốt cao đột ngột, rất đau đầu, đau mỏi người, đau mỏi cơ, khớp, mệt mỏi, có thể chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng.Người bệnh có biểu hiện các chấm nốt xuất huyết dưới da (nốt bầm đỏ, tím).

Để phát hiện sớm bệnh SXH thì khi có những triệu chứng trên trong vòng 1-3 ngày nếu người bệnh sống trong vùng có nhiều người đã được chẩn đoán là SXH thì cần nghĩ tới khả năng bị bệnh SXH. Trong trường hợp người bệnh sốt cao, mệt lả, nôn, đau bụng, xuất huyết nhiều, đi tiểu ít thì phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.  

GS.TS Đặng Đức Phú: Ngoài ra, có những điều có thể dễ dàng hơn cho bác sĩ lâm sàng trong chẩn đoán nếu như bác sĩ dự phòng cung cấp những thông tin liên quan đến bệnh tại vùng xảy ra dịch.

* Bệnh sốt xuất huyết là do những nguyên nhân gì gây ra, thưa BS? Tại sao bệnh lại phát theo mùa?(Hà Quang, 36 tuổi)

GS. TS Đặng Đức Phú: Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện do người bệnh bị nhiễm virus dengue, nhưng người bị nhiễm loại virus này thường do vật  trung gian, ở đây là muỗi cái, cụ thể là loại muỗi Ae.aegypti, Ae.albopictus đã hút máu của một người đã, đang bị nhiễm bệnh. Để đủ bữa ăn, con muỗi này thông thường phải hút máu của 4-5 người và cũng do vậy cho nên người ta cho rằng muỗi có thể truyền bệnh cho nhiều người một lúc. Do số lượng muỗi biến động theo mùa, chủ yếu vào mùa mưa muỗi sinh sôi nảy nở mạnh. Do vậy ở Việt Nam, bệnh thường phát triển mạnh vào tháng 7 đến tháng 10 hàng năm .

* Sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em khác nhau như thế nào? (Nguyễn Mạnh Hùng, 30 tuổi)

GS.TS Đặng Đức Phú: Sốt xuất huyết ở người lớn có nhiều sự khác nhau. Thứ nhất là khác theo miền. Ở miền Bắc thì số người lớn mắc chiếm có khi đến 80%, nhưng ở miền Trung và miền Nam thì có thể ngược lại.

Tuy nhiên, đối với trẻ em, có một số triệu chứng nguy hiểm của bệnh mà các nhà lâm sàng học cần quan tâm.

Sốt xuất huyết ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn vì: Sốt cao có thể gây ra co giật, lượng nước ở trong cơ thể trẻ em nhiều nên dễ mất nước khi sốt cao dẫn đến trụy tim mạch (hạ huyết áp). Trẻ em dễ có nhiều biến loạn khác nếu người lớn không chăm sóc và theo dõi chặt chẽ (do trẻ không thể biết được về tình hình diễn biến bệnh).

* Khi bị sốt xuất huyết, hình như phải kiêng uống thuốc gì đó, tôi không nhớ, xin bác sĩ cho biết và giải thích tại sao lại không được uống thuốc đó?(Nguyễn Thế, 26 tuổi)

ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm: Đúng, khi bị sốt xuất huyết thì không được uống thuốc Aspirin vì thuốc này sẽ làm cho bệnh nhân bị chảy máu nặng, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết đã có triệu chứng xuất huyết và dễ có biểu hiện rối loạn đông máu, thuốc Aspirin làm máu khó đông nên dẫn đến tình trạng chảy máu nặng không cầm ở bệnh nhân sốt xuất huyết.

* Bệnh này thường kéo dài bao lâu thì khỏi? Tự khỏi hay nhất thiết phải uống thuốc? Làm thế nào để biết bệnh có dấu hiệu nặng và nguy hiểm đến tính mạng?(Phạm Thị Ngọc Bích, 31 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Bệnh SXH thường kéo dài từ 7-10 ngày. Bệnh diễn biến tự khỏi, các thuốc sử dụng cho bệnh nhân SXH chủ yếu để điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù nước và điện giải, chống chảy máu, chống suy tuần hoàn (nếu có).

Các dấu hiệu nặng và nguy hiểm đến tính mạng khi bệnh nhân mệt lả, chân tay lạnh, nổi vân tím trên da, đau bụng, nôn, các biểu hiện xuất huyết nhiều trên da hoặc nội tạng, tinh thần li bì, u ám, mạch nhanh, đi tiểu ít. Trong trường này, phải khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa.  

* Nghe nói bệnh sốt xuất huyết có thể gây chết người ? Như vậy bệnh này rất nguy hiểm đúng không? Hiện đã có thuốc đặc trị chưa, thưa BS?(Trần Hòa, 43 tuổi)

ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm:  Bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp bệnh nặng mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của thầy thuốc. Bệnh này sẽ không nguy hiểm nếu bạn biết cách phòng chống và khi nghi ngờ bị mắc bệnh cần phải thăm khám và theo dõi điều trị tại cơ sở y tế. Bệnh sốt xuất huyết do virus gây ra nên không có thuốc đặc trị tiêu diệt virus. Bệnh chỉ có thể phòng được bằng cách diệt muỗi và tránh muỗi đốt.

* Tôi được biết bệnh sốt xuất huyết do muỗi gây ra. Vậy xin hỏi có phải tất cả các loại muỗi đều là nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết ở người?(Nguyen Huy Hoang, 30 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Đúng là bệnh sốt xuất huyết là do muỗi truyền virus gây bệnh đó từ người đang mắc bệnh sang người khỏe mạnh khi nó hút máu và chỉ có 2 loại muỗi Ae.aegypti và Ae.albopictus gây ra. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại muỗi đều gây ra bệnh sốt xuất huyết. Các loại muỗi khác có thể làm lây truyền các bệnh như: Viêm não Nhật Bản, sốt rét, bệnh giun chỉ...

* Cần phải làm gì để không mắc bệnh? Nhà tôi ở thành phố, có nằm màn chống muỗi mà sao vẫn bị sốt xuất huyết?(Bích Thu, 31 tuổi)

GS.TS Đặng Đức Phú: Bạn thân mến, màn không thể giải quyết được tất cả vấn đề. Vì muỗi truyền virus gây bệnh này thường hay sống ở đô thị, sống gần người, trong nhà hoặc ngay cạnh nhà. Nó hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. Để giải quyết, phải chống đươc loại muỗi này. Muỗi này thường sống ở nước sạch, ở những thùng chứa nước bể chứa nước, các hốc, hõm có nước mưa đọng lai. Chính vì vậy, vấn đề nâng cấp hệ thống cấp nước để người dân không bị thiếu nước sinh hoạt là vấn đề rất quan trọng. Các bể chứa nước phải được đậy kín và thau rửa thường xuyên. Đối với những vật dụng có thể chứa nước thì phải úp xuống để nước không đọng lại được. Năm 2007, thời tiết khô hạn, thiếu nước dung cho sinh hoạt, người dân phải trữ nước, điều này là một trong những nguyên nhân làm cho dịch sốt xuất huyết trở nên phức tạp.

* Cháu muốn hỏi có thuốc tiêm phòng sốt xuất huyết chưa? Nếu có rồi thì đi tiêm ở đâu ạ?(Hoa Hoa, 16 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Hiện chưa có vaccine tiêm phòng SXH. Các nhà khoa học đang nghiên cứu để sản xuất vaccine phòng căn bệnh này. Để phòng tránh SXH, bạn cần diệt muỗi, chống muỗi đốt, và loại bỏ những nơi sinh sản của muỗi làm lây truyền bệnh như: bể vại chứa nước, lọ hoa, vỏ chai lọ vỡ có nước đọng, rãnh nước quanh nhà...

* Xin cho tôi hỏi mỗi năm ở nước ta có bao nhiêu trường hợp bị SXH và có khoảng bao nhiêu trường hợp tử vong vì bệnh này?(Hà Quang, 36 tuổi)

GS.TS Đặng Đức Phú: Theo thống kê cộng sơ bộ, mỗi năm, số người mắc sốt xuất huyết ở nước ta tới giờ phút này khoảng hơn 50.000 người, số tử vong là 49 người. Trong đó, 80% số người mắc bệnh ở phía Nam.

* 'Sốc' trong bệnh SXH là như thế nào? Tại sao bệnh nhân lại sốc? Xin BS giải thích?(Quốc Quân, 41 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Sốc trong bệnh sốt xuất huyết là tình trạng người bệnh bị suy tuần hoàn do mất máu nhiều, hoặc do tình trạng bị thoát dịch cô đặc máu. Khi bị sốc người bệnh có biểu hiện: Mệt lả, da lạnh ẩm, nổi vân tím, mạch không bắt được, huyết áp thấp có thể không đo được. Ý thức u ám, li bì hoặc vật vả kèm theo đau bụng, nôn, đi tiểu ít.

* Cháu có những vết bầm dưới da nhưng không sốt cao, vậy có phải bị bệnh sốt xuất huyết không ạ?(Nhân Thành, 15 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Khi có biểu hiện vết bầm dưới da có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu kèm theo các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau người, sống trong vùng có nhiều người bị SXH thì có khả năng bạn đã bị SXH. Trong trường hợp của bạn, triệu chứng không rõ nên cần đi đến bác sĩ để xác định.

* Bệnh nhân sốt xuất huyết vì sao lại dẫn đến tử vong? Thông tin bệnh SXH có thể bị chết thật là đáng lo ngại thưa các bác sĩ. Vậy xin hỏi chúng ta đã có biện pháp nào để giảm tử vong vì bệnh này chưa?(Lâm Viết Hải, 65 tuổi)

Tuy nhiên tỷ lệ tử vong ở bệnh sốt xuất huyết không cao nếu người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Khi có các biểu hiện sớm của sốt xuất huyết như sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, đau mỏi toàn than, đau mỏi cơ khớp, sống ở trong vùng có người bệnh được chẩn đoán là sốt xuất huyết cần đi khám, điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế. Ngoài ra, các biện pháp dự phòng mắc bệnh sốt xuất huyết (diệt muỗi, nằm màn chống bị muỗi đốt, bôi kem chống muỗi, hương diệt muỗi) sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ chết do bệnh.

* Khi gia đình tôi có người bị SXH thì có phải cách ly hoàn toàn với những người khác không?(Hoang Phuong, 32 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh chỉ lây từ người bệnh sang người khỏe thông qua muỗi. Vì vậy, khi trong nhà có người bị sốt xuất huyết thì không cần cách ly mà phải thực hiện các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như phải nằm màn, bôi kem chống muỗi hoặc dùng hương diệt muỗi...).

* Ngành Y tế có can thiệp gì để giảm sốt xuất huyết không thưa giáo sư Phú, tại sao năm nào chúng ta cũng bị dịch bệnh này hoành hành như vậy?(Nhân Thành, 40 tuổi)

GS. TS Đặng Đức Phú: Sốt xuất huyết đã xuất hiện ở Việt Nam vào đầu những năm 80. Đây là một căn bệnh khẩn cấp, mang ý nghĩa xã hội lớn. Gần 30 năm trước, ở ta hiểu biết về căn bệnh này chưa nhiều, thuốc chữa trị đặc hiệu cũng chưa có. Phương tiên để chẩn đoán cũng chưa có. Lúc đó, ngành Y tế đã tập hợp rất nhiều nhà khoa học, các y bác sĩ hàng đầu trong nước như GS Hoàng Thuỷ Nguyên, GS Đặng Đức Trạch, những nhà lâm sàng như GS Đào đình Đức, GS Vũ Văn Ngũ… đồng thời cũng tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu căn bệnh này ở các luận án tiến sĩ như GS Lưu Minh Châu, GS Trương Nguyên Ninh, TS Trần Đắc Phu, GS Vũ Sinh Nam, TS Lê Thị Quỳnh Mai… phía Nam có GS Quang Hà, nhờ đó chúng ta đã mô tả cũng như định hình được chính xác căn bệnh sốt xuất huyết, đưa ra những công cụ chẩn đoán nhanh, chính xác; phân loại cấp độ bệnh và các phác đồ điều trị, các biện pháp dự phòng hữu hiệu nhờ thế chúng ta đã có thể khống chế ở một mức độ nào đó căn bệnh này và làm yên tâm dư luận xã hội. Để phối hợp giải quyết vấn đề bệnh sốt xuất huyết, Nhà nước đã thành lập một chương trình mục tiêu để theo dõi, quản lý và ứng phó kịp thời hàng năm.

Tuy nhiên, sự hiểu biết của các nhà y sinh học để đi đến giải quyết dứt điểm căn bệnh này vẫn chưa đạt được. Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân nữa như vệ sinh môi trường chưa tốt, chưa thể khống chế được loại muỗi truyền bệnh. Trong khi đó, trên thế giới, mới chỉ có một loại vaccine đang dự tuyển thử nghiệm để gây miễn dịch chủ động đối với căn bệnh này. Chính vì những lý do trên, mà người mắc bệnh vẫn còn nhiều, vấn đề phát hiện và chữa trị cũng chưa kịp thời. Ngay trong chương trình này nhiều độc giả quan tâm đến hiện tượng sốc, chứng tỏ việc chữa trị cũng chưa thật sự hiệu quả… Tổng hợp các yếu tố đó làm cho ngành y tế nằm nào cũng phải lo đối phó với dịch sốt xuất huyết. Cũng phải nói thêm rằng, với số bệnh nhân bị mắc hiện tại khoảng 50.000 người thì vẫn chỉ ở mức thông thường. Nhiều năm trước đây số người mắc vào những vụ dịch có thể gấp 10 lần con số của năm nay.

* Bị sốt cao 2 ngày đã phải là sốt xuất huyết chưa, thưa bác sĩ?(Hà Trọng Phan, 32 tuổi)

Th.S, Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm: Sốt hai ngày thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: viêm đường hô hấp, do các loại virus khác. Nếu sốt hai ngày kèm theo các triệu chứng mà chúng tôi đã trả lời ở các câu hỏi trên thì có thể nghi ngờ bị SXH. Bạn nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân.

* Làm thế nào để tránh lây bệnh SXH từ người đã bị mắc bệnh, thưa bác sĩ?(H. Ngọc Nguyên, 45 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Bệnh SXH không lây trực tiếp từ người sang người mà qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi. Vì vậy, để tránh lây bệnh SXH từ người bệnh sang người khoẻ, cần thực hiện các biện pháp phòng, tránh muỗi đốt cho cả người bệnh và người khoẻ. Đồng thời phải thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi.

* Nhà tôi đã phun thuốc chống muỗi vậy sao vẫn có người bị sốt xuất huyết?Phải chăng không hoàn toàn do muỗi gây ra mà có nguyên nhân khác?(Hoàng, 47 tuổi)

GS.TS Đặng Đức Phú: Thứ nhất, hiệu lực của mỗi lần phun thuốc không phải là kéo dài mãi. Chính vì thế, Bộ Y tế cũng đã đưa ra chỉ định có thể phải phun đại trà lần thứ 2, sau lần thứ nhất 7-10 ngày.

Thứ hai, vào thời gian có dịch vẫn còn có người mắc bệnh tức là vẫn có khả muỗi đốt từ người có bệnh sang người khỏe mạnh. Ngoài ra, còn có lý do khác như: Có người năm nay mắc nhưng năm sau cũng lại mắc tiếp vì nhiễm virus khác so với năm trước. Cũng cần phải lưu ý rằng, những bệnh có một vector làm lây truyền từ người này sang người nọ bao giờ cũng khó phòng chống hơn những người khác.

* Sốt siêu virus và sốt xuất huyết có triệu chứng gần như nhau. Khi con tôi bị sốt cao, bác sĩ yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra xem có bị sốt xuất huyết hay không. Tôi muốn hỏi tại sao kiểm tra máu?(Thu Hằng, 27 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Bệnh SXH do virus gây ra nên có triệu chứng gần giống như các sốt do virus khác. Tuy nhiên, chỉ có bệnh SXH mới gây giảm tiểu cầu (là một loại tế bào trong máu có tác dụng cầm máu). Vì vậy, phải xét nghiệm máu để phân biệt giữa SXH với các sốt do virus khác.

* Nguoi da bi SXH mot lan roi thi co mien dich cho nhung lan sa khong?(Hai Minh, 35 tuổi)

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Khi bị SXH, cơ thể người bệnh sinh ra kháng thể chống lại virus SXH. Tuy nhiên, kháng thể này không có tác dụng bảo vệ suốt đời. Vì vậy, vẫn phải thực hiện các biện pháp dự phòng mắc bệnh ngay cả khi đã bị bệnh.

* Lam sao toi co the phat hien la minh bi sot xuat huyet ngay khi bi sot?(Hai Dang, 24 tuổi)

Th.S, Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm: Ngay khi bị sốt, chỉ có thể nghi ngờ là mình có khả năng bị SXH nếu có các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu rất nhiều, đau mỏi người mà không thể khẳng định chắc chắn, vì ngay cả xét nghiệm máu trong giai đoạn này cũng không thể xác định được.

**Cùng bạn đọc VOVNews

GS.TS Đặng Đức Phú: Những câu hỏi về điều trị, dự phòng mà độc giả gửi tới chỉ liên quan đến tây y. Nhưng từ xưa đến giờ, để bảo vệ chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, thì đông y cũng đóng vai trò quan trọng, nhiều khi là duy nhất trong quá khứ. Chính vì vậy cho nên thực hiện đường lối đông tây y kết hợp trong phòng bệnh và chữa bệnh thì ngành y học cổ truyền cũng đã vào cuộc để phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong việc chữa trị sốt xuất huyết thể nhẹ đô 1, 2. Với nguyên tắc là thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng kết hợp với nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu. Những điều này đã nằm trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết nằm trong công văn chỉ thị về việc tăng cường sử dụng thuốc cổ truyền phòng chống sốt xuất huyết của Bộ trưởng Bộ Y tế. Mong rằng sẽ có một dịp các độc giả sẽ được tiếp xúc qua mạng của VOVNews với những bậc thầy trong lĩnh vực y học cổ truyền!.

Ths. BS Nguyễn Tiến Lâm: Tôi thấy đây là cuộc giao lưu rất bổ ích. Thông qua buổi giao lưu này chúng ta đã trao đổi được với độc giả những thông tin cơ bản về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Hy vọng rằng, qua buổi giao lưu này các bạn sẽ hiểu rõ thêm về bệnh sốt xuất huyết biết phát hiện sớm điệu trị đúng để giảm được các biến chứng nặng của bệnh góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Đồng thời, hiểu rõ hơn về sự lây truyền của bệnh để thực hiện các biện pháp phòng bệnh tránh sự lan tràn của bệnh trong cộng đồng.

Tôi mong muốn sẽ có nhiều buổi giao lưu như thế này để trao đổi về các vấn đề thường thức trong bảo vệ sức khỏe. Nếu các bạn tiếp tục có câu hỏi, xin liên hệ qua VOVNews hoặc trực tiếp với Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Phó Trưởng khoa virus ký sinh trùng (Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia).

VOVNews trân trọng cảm ơn GS.TS Đặng Đức Phú và Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm đã tham gia chương trình./.

ThS. BS Nguyễn Tiến Lâm: Bệnh sốt huyết có thể gây tử vong do bị sốc nặng vì chảy máu ồ ạt  (do rối loạn đông máu hoặc dùng thuốc Aspirin)  hoặc do thoát huyết tương nhiều.

Nguồn: VOV news

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Bệnh sốt xuất huyết (https://www.meo.vn/benh-sot-xuat-huyet.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *