Bệnh ở mũi và cách xử trí

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Mũi được hình thành từ tuần thứ tư của bào thai, xuất phát từ lớp nội mô của đầu cùng với xoang sàng. Trong quá trình phát triển đó, vì một nguyên nhân bất thường như nhiễm virut cúm, Rubella…, một số độc tố của thuốc người mẹ sử dụng trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến những thay đổi bất thường của trẻ trong đó có những dị dạng của mũi.

Hẹp cửa mũi sau bẩm sinh là một loại dị hình bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị tắc một hoặc cả hai bên mũi. Nguyên nhân của bệnh là một tấm màng mỏng hoặc một khối xương bít lấp cửa mũi sau một phần hay toàn bộ. Bệnh nhi xuất hiện triệu chứng tắc mũi, trẻ không thở được bằng mũi: để gương phía trước mũi sẽ không thấy vết mờ. Mỗi lần bú trẻ ngạt thở và ho sặc sụa. Nhỏ thuốc màu thấy thuốc không xuống được họng mà trào ra ngoài. Dùng que thông mũi thăm dò không thấy xuống họng miệng. Nếu bít lấp hoàn toàn cửa mũi sau ở trẻ sơ sinh làm bệnh nhi không thở được thì phải giải quyết sớm. Nếu là lớp màng mỏng thì chọc thủng bằng một que thông. Nếu là khối xương thì cân nhắc đến tình trạng chung của trẻ và thường phẫu thuật khi trẻ ngoài 12 tuổi vì nếu mổ sớm quá trẻ không đủ sức chịu đựng sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.

Hẹp cửa mũi trước bẩm sinh rất hiếm và thường chỉ là một màng mỏng che cửa mũi trước. Việc xử trí rất đơn giản bằng cách phẫu thuật khoét mảnh da ở cửa mũi là khỏi.

Hẹp cửa mũi do mềm sụn cánh mũi rất hiếm gặp ở người Á đông mà chủ yếu ở chủng người da trắng. Mỗi khi bệnh nhân hít mạnh thì hai cánh mũi xẹp xuống và dính chặt vào vách ngăn làm bệnh nhân không thở được. Dị dạng này được khắc phục bằng cách đặt thêm khung cho hai cánh mũi bằng rất nhiều chất liệu như sụn, xương tự thân hoặc những chất nhựa tổng hợp.

Dị dạng tháp mũi

- Mũi tẹt: Đầu mũi xẹp xuống và hai cánh mũi bè ra.

- Mũi quắm: Tháp mũi cao, sống mũi hẹp, dài, quặp xuống  như diều hâu.

- Rò sống mũi: Giữa sống mũi có một kén nhỏ vùng xương chính mũi, kén đó ăn thông ra ngoài da bằng một lỗ rò ở gần đầu mũi. Ở giữa có một lông dài. Khi  nắn sống mũi sẽ chảy ra một chất trắng giống như bã đậu. Thỉnh thoảng lỗ rò bị tắc dẫn đến viêm tấy toàn bộ sống mũi. Xử trí bằng phẫu thuật cắt bỏ nang kén và toàn bộ đường rò.

- Mũi xẻ dọc: Dọc theo sống mũi ở đường trung vị có một đường lõm đi từ trán xuống đầu mũi hoặc xuống đến môi trên. Hai mắt cách xa nhau hơn thường lệ. Mặt rộng về bề ngang.

Sứt môi kèm theo hở hàm ếch cũng gây ra dị dạng mũi như thiếu sàn mũi hoặc rách cửa mũi trước. Điều trị bằng phẫu thuật chỉnh hình.

Vẹo vách ngăn, mào vách ngăn, gai vách ngăn mũi

Vách ngăn gồm một cốt cứng bằng xương và sụn còn hai bên được bao phủ bởi niêm mạc mũi. Các thành phần vách ngăn là mảnh đứng của xương sàng, xương lá mía và sụn tứ giác. Bình thường vách ngăn thẳng tương đối. Trong một số trượng hợp vách ngăn vẹo một bên có dạng chữ C, vẹo hai bên dạng chữ S. Nếu trên vách ngăn có một điểm nhô lên giống gai hoa hồng gọi là gai vách ngăn. Một dị hình xuất hiện dưới dạng một nếp gấp dài từ trước ra sau là mào vách ngăn. Biểu hiện của những dị hình vách ngăn là hiện tượng ngạt mũi, nhức đầu, nghe kém. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi gây viêm mũi và viêm mũi xoang dị ứng dễ dẫn đến hen. Điều trị bằng chỉnh hình vách ngăn trở về vị trí tương đối thẳng ban đầu sẽ hết các triệu chứng.

Nhọt mũi

Tiền đình mũi được phủ một lớp da nên bệnh tích vùng này giống với bệnh tích của da.
Nhọt mũi là hiện tượng viêm tuyến bã đậu dưới da do tụ cầu khuẩn. Nhọt tiền đình mũi là một loại bệnh cũng tương đối phổ biến với tỷ lệ đến 2% dân số, chủ yếu là do thói quen dùng tay bẩn để ngoáy mũi làm xước da vùng tiền đình mũi, qua đó vi khuẩn xâm nhập vào lớp dưới da gây bệnh.

Nhọt thường khu trú ở mặt trong cánh mũi đặc biệt thường hay ở nóc tiền đình. Giai đoạn đầu người bệnh thấy ngứa, rát, nóng ở ngay cửa mũi, cứ phải dùng tay đưa vào ngoáy mũi làm cho quá trình viêm tiến triển nhanh. Sau 2-3 ngày xuất hiện cánh mũi sưng, nóng, đỏ, đau. Bệnh nhân không dám ngoáy mũi, chùi mũi vì đau. Bệnh diễn biến 4 – 5 ngày rồi nhọt vỡ và các triệu chứng trên giảm. Nhọt khác có thể xuất hiện ở mũi kia hoặc nhiều nhọt kết hợp lại thành cụm nhọt. Trường hợp này bệnh nhân thường sốt, sưng má và môi trên gây biến chứng viêm tắc tĩnh mạch xoang hang có thể tử vong.

Nhọt tiền đình mũi rất hay tái phát nếu không biết cách phòng tránh.

Xử trí: Dùng thuốc sát khuẩn tại chỗ như bétadine làm sạch vùng tổn thương rồi bôi phủ bằng thuốc mỡ như clorocid H… Nếu nhọt đã căng mềm, hết đỏ, lúc đó dân gian thường gọi là nhọt đã “chín” có thể trích rạch nhọt dẫn lưu mủ, làm sạch bằng ôxy già, rồi bôi thuốc mỡ kháng sinh, kháng viêm. Tránh không cạo thuốc bột rồi rắc lên trên làm cho nhọt không dẫn lưu được mủ sẽ nặng thêm và dễ gây các biến chứng.

Sức khoẻ và Đời sống

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Bệnh ở mũi và cách xử trí (https://www.meo.vn/benh-o-mui-va-cach-xu-tri.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *