Bệnh điếc do tiếng ồn

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Các loại điếc khác có kèm theo các triệu chứng như chảy máu tai, thủng màng nhĩ... nhưng điếc do tiếng ồn không có triệu chứng, diễn biến chậm, có khi kéo dài hằng năm, tuỳ cường độ tiếng ồn và thời gian tiếp xúc. Đến khi nhận ra bệnh thì đã quá muộn, người bệnh không thể phục hồi thính giác như trước.

Ở nước ta, trong các bệnh nghề bệnh, bệnh điếc do tiếng ồn chỉ đứng sau bệnh bụi phổi silic. Khảo sát của Viện Tai - Mũi - Họng Việt Nam cho thấy, thanh thiếu niên bị giảm sức nghe có tỷ lệ khá cao, tập trung ở các khu công nghiệp, đô thị.

Quy định của WHO

Năm 2001 là năm thứ 6 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 25/4 làm ngày 'Quốc tế phòng chống tiếng ồn'. Đây là lần đầu tiên nước ta chính thức tham gia phong trào này.

Theo khuyến cáo của WHO, ngưỡng tiếng ồn cho phép là:

- Môi trường nghỉ ngơi, độ ồn thường xuyên (âm nền) không quá 40 dB.

- Môi trường sinh hoạt, âm nền không quá 60 dB

- Môi trường sản xuất, âm nền không quá 80 dB. Nếu độ ồn cao hơn, thời gian tiếp xúc phải giảm.

Thừa thãi... tiếng ồn

Tuy đã có quy chế về tiếng ồn trong sản xuất, song Việt Nam chưa có quy định cụ thể về xử lý cơ sở có tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép. Công tác quy hoạch đô thị có tính đến tiếng ồn nhưng do thực hiện kém nghiêm túc nên nhiều bệnh viện, trường học, nhà ở... còn quá gần đường giao thông. Công viên, hồ nước, cây xanh, các yếu tố giảm tiếng ồn lại liên tục bị thu hẹp. Nhiều nhà máy xí nghiệp gây ồn vẫn nằm ngay giữa khu dân cư. Tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, các phương tiện giao thông cơ giới tràn ngập, khiến tiếng ồn ngày càng vuợt ngưỡng cho phép nhiều hơn.

Bệnh 'không thể cứu chữa'

Theo bác sĩ Huỳnh Bá Tân, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, với cường độ 90 dB (tương đương với tiếng nói to), tiếp xúc khoảng 5 giờ/ngày, sau 5 năm, tỷ lệ điếc là 10%, sau 25 năm, tỷ lệ điếc lên tới 40%. Đơn giản, ngày nào cũng nghe earphone thì vài năm sau cũng có thể bị điếc. Loại điếc này do tổn thương tế bào nhận âm thanh ở tai trong, nên không thể phát hiện qua chụp phim hay khám. Bệnh diễn biến âm thầm đến khi phát hiện thì không có khả năng hồi phục.

Liên tục tiếp xúc với tiếng ồn còn là nguyên nhân của các bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm phế quản, khí quản), đường tiêu hoá (viêm loét dạ dày, tá tràng), tim mạch, cáu gắt, thay đổi tính nết, đãng trí, suy nhược thần kinh...

Biện pháp phòng tránh

1. Trong lao động

Nếu phải làm việc nơi có tiếng ồn cao, cần đeo nút bảo vệ tai. Đây là biện pháp thích hợp với khí hậu nóng, lao động phải thay đổi tư thế, đi lại. Ưu điểm của nó là giảm được từ 20-29 dB, rẻ và dễ kiếm. Khi mới đeo có cảm giác khó chịu nhưng sau vài ngày sẽ quen. Lúc đầu có thể chỉ đeo 2, 3 giờ sau quen sẽ tăng dần.

2. Trong sinh hoạt nghỉ ngơi

Cần chủ động giảm tiếng ồn, tạo yên tĩnh, cụ thể là:

- Không gây tiếng động lớn, nhất là trong giờ nghỉ để bảo vệ mình và tôn trọng người xung quanh.

- Không nên nghe nhạc với cường độ lớn, nhiều giờ: Tai nghe nhạc vặn to hết mức có thể tới 100 dB, nếu nghe thường xuyên, nhiều giờ sẽ bị điếc như những công nhân phải lao động trong nhà máy.

- Không cho trẻ nghe loa đài có công suất lớn đến 130 dB vì dễ gây điếc.

- Hạn chế đến những nơi có tiếng ồn cao.

3. Phát hiện sớm bệnh

Cần đi khám bác sĩ và đo sức nghe nếu thấy các biểu hiện khởi đầu của điếc tiếp nhận:

- Sau tiếp xúc tiếng ồn lớn thấy ù, inh tai kéo dài.

- Khi giao tiếp, trò chuyện phải đến gần hay nhìn mồm người nói, phải mở đài với công suất lớn mới nghe hiểu.

- Không nghe rõ các tiếng thanh như tiếng còi, nốt nhạc cao.

(Theo Thanh Niên, Lao Động)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Bệnh điếc do tiếng ồn (https://www.meo.vn/benh-diec-do-tieng-on.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *