Bé ăn nhiều có phải mắc bệnh thần kinh?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Trước đây, con gái tôi vẫn ăn uống bình thường nhưng hai tháng nay, cháu ăn nhiều hơn, tâm lý có vẻ bất ổn. Xin hỏi đây là bệnh gì?

Con gái tôi 18 tuổi, trước đây vẫn sinh hoạt và ăn uống bình thường. Hai tháng nay, bỗng nhiên cháu ăn rất nhiều, tâm lý có vẻ bất ổn, lúc nào cũng như đang chán nản, lo sợ về một vấn đề gì đó. Một người quen là bác sĩ cho biết có thể là cháu đã bị bệnh ăn nhiều do nguyên nhân thần kinh. Đây là bệnh gì, cách điều trị ra sao?

Chào bạn,

Đầu tiên, cần phân biệt ăn nhiều thông thường với bệnh ăn nhiều có tính xung năng - một nhu cầu ăn không thể kiểm soát nổi. Người bệnh ăn bất cứ thứ gì, hoặc thiên về một vài loại thức ăn nào đó, nhiều khi đang đêm cũng dậy ăn. Nếu như những người thích ăn ngon thường có tính khí vui vẻ thì người bị bệnh ăn nhiều lại ủ ê, luôn cảm thấy khó chịu trong người.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có tới 1% dân số mắc chứng ăn nhiều ít nhất một lần trong đời và 7% phụ nữ trẻ (nhất là tuổi vị thành niên) có triệu chứng này. Những cơn ăn nhiều báo hiệu một điều gì đó không bình thường và liên quan chặt chẽ đến bối cảnh khủng hoảng toàn diện của lứa tuổi này. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra những tiêu chuẩn để chẩn đoán chứng ăn nhiều như sau:

- Luôn bận tâm đến chuyện ăn và thèm ăn không thể cưỡng lại nổi.

- Có những thời kỳ ăn rất nhiều và rất nhanh.

- Vận động quá mức, móc miệng ra để nôn sau khi ăn, nhịn đói hay dùng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu để đối phó với sự đam mê ăn uống.

- Sợ béo phì, nỗi sợ này cũng có ở chứng chán ăn do nguyên nhân thần kinh. Ở mức độ nào đó, hai chứng ăn nhiều và chán ăn có sự trùng lặp về triệu chứng.

Bệnh có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng thường kéo dài vài tháng hay vài năm nếu không được điều trị. Hiếm khi các triệu chứng kéo dài suốt đời. Tình trạng ăn nhiều và nôn có thể gây ra những tổn thương cho răng (do chất toan của dạ dày) và tim (do cơ thể mất muối).

Nguyên nhân: Hiện vẫn chưa được biết rõ; nhưng yếu tố môi trường, xã hội có vai trò rất quan trọng. Hầu hết bệnh nhân ăn nhiều do nguyên nhân thần kinh vẫn duy trì được cân nặng bình thường và họ thường là những người thiếu lòng tự tin. Theo học thuyết phân tâm, có thể khi còn nhỏ, họ đã trải qua những thời kỳ ăn nhiều và điều này để lại dấu ấn trong tiềm thức.

Điều trị: Không có giải pháp đơn giản để chữa trị bệnh ăn nhiều. Rối loạn hành vi ăn uống thể hiện sự rối nhiễu về tiến trình trưởng thành tâm lý, cần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Liệu pháp này chỉ dành cho bệnh nhân ăn nhiều đích thực vì hành vi này đã hình thành ngay từ những năm đầu của cuộc đời (nhưng thường bị bỏ qua hay xem thường).

Liệu pháp tâm lý nhấn mạnh đến tác động tình cảm của những người xung quanh, nhất là gia đình. Cần kết hợp chữa trị cả những vấn đề kèm theo như thiếu tự tin hoặc trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm cũng có hiệu quả.

Những triệu chứng bạn miêu tả trong thư cho thấy, có nhiều khả năng con bạn bị mắc bệnh ăn nhiều do nguyên nhân thần kinh. Bạn cần cho cháu đến khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời và chính xác.

BS. Đào Xuân Dũng

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Bé ăn nhiều có phải mắc bệnh thần kinh? (https://www.meo.vn/be-an-nhieu-co-phai-mac-benh-than-kinh.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *