Bạn đã biết gì về nụ cười của bé thơ?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

(Webtretho) Ngoài những lợi ích về thể chất thì nụ cười, tiếng cười, khả năng hài hước còn là một kỹ năng xã hội có giá trị với tất cả mọi người. Chúng ta đã bắt đầu sử dụng nụ cười của mình như một cách giao tiếp hiệu quả từ rất sớm.

Tiếng cười của bé cũng "trưởng thành" dần theo thời gian đó mẹ! (Ảnh: Inmagine)

Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ rất nhạy bén với cảm xúc nên thường tìm kiếm cơ hội tạo lập tình cảm thông qua tiếng cười; vậy nên bạn mới thấy nhiều khi dù chắc chắn không hiểu gì cả nhưng bé vẫn cười hùa theo bạn. Không chỉ vậy, giống như với người lớn, tiếng cười cũng có thể tạo bầu không khí thân thiện, thoải mái, từ đó giúp bé tìm được cách giải quyết vấn đề hoặc ít nhất, bé có thể tưởng tượng những tình huống buồn cười để giảm nhẹ căng thẳng. Từ chỗ tập được cách làm chủ cảm xúc của mình, làm chủ tình hình như vậy, bé sẽ được nuôi dưỡng sự tự tin.

Nụ cười, tiếng cười có những tác dụng về thể chất:

- Tăng lượng hormone tạo những cảm xúc tích cực, giảm đau, như endorphin hay neurotransmitter;

- Kích thích những tế bào T (T-cells) có tác dụng như chất kháng sinh;

- Giảm lượng hormone gây căng thẳng như adrenaline và cortisol;

- Cải thiện chức năng tuần hoàn và hô hấp;

- Giúp cơ bắp thả lỏng, thư giãn.

Sau khi biết được ích lợi của tiếng cười như vậy, mời bạn thử cùng chúng tôi tìm hiểu về tiếng cười của bé bi nhà mình nhé!

Phần lớn chúng ta không biết được rằng tiếng cười – biểu hiện hạnh phúc của con – còn có thể có liên quan đến nỗi sợ. Các chuyên gia tâm lý học giải thích tiếng cười của bé trong nhiều trường hợp được gây ra sau khi bé giật mình / căng thẳng và tình trạng nay biến mất. Bé có thể cảm nhận được thứ gì đó mà bé cho là lạ lùng hay đáng báo động nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra là không sao; và sự nhẹ nhõm bé cảm nhận được có thể “kích hoạt” tiếng cười. Một ví dụ cho điều này là trò chơi ú òa: mẹ biến mất khiến bé lo lắng, và khi mẹ xuất hiện trở lại khiến bé cười rất tươi; hoặc có nhiều bé khác lại rất thích trò xé giấy với những âm thanh “ghê người”.

Các bé dưới 6 tháng tuổi

Nụ cười thật sự của con sẽ chưa xuất hiện trong bốn tháng đầu đời của bé. Tuy nhiên khi mới vài ngày tuổi, bé có thể sẽ có phản xạ cười gây ra bởi gió hay sự ngạc nhiên – do tiếng động, giọng nói có âm độ cao khiến bé hơi giật mình. Vài tuần sau đó (khi sang tháng thứ 2), bé bắt đầu có nụ cười chung chung khi trông thấy khuôn mặt của người lớn. Ta thường suy rằng bé cười là do nhận ra ta, nhưng sự thật đây chỉ là một bản năng sinh tồn – bé muốn được quan tâm và chăm sóc. Phải ít nhất 4 tháng tuổi thì bé mới có thể nở nụ cười vì nhận ra người quen, và thường đến khoảng tháng thứ 6 hoặc sau đó, bé mới cho bạn nghe thấy tiếng cười đầu tiên của mình.

Các bé từ 6-12 tháng tuổi

Phản xạ cười của vài tháng đầu đời dần mất đi, và thay vào đó là nụ cười có chủ đích và có qua… dạy dỗ. Vậy nên bé rất cần được thấy những người xung quanh mỉm cười để có thể học được biểu cảm khuôn mặt này; nghiên cứu đã cho thấy các bé sống giữa những người ít cười cũng sẽ có xu hướng ít cười.

Trước khi học nói, bé sẽ bị thu hút nhất bởi hình ảnh và sẽ cảm thấy buồn cười nhất với những hình ảnh, cảnh tượng lạ lùng. Vậy nên bạn sẽ thấy bé cười khi người lớn làm mặt xấu hay trông có vẻ ngớ ngẩn. Bởi vì bé còn quá nhỏ và những điều được cho là “bình thường” của bé còn rất giới hạn nên sẽ có rất nhiều điều có thể khiến bé nhoẻn cười – vì bé đều chưa được trông thấy những cảnh này trước đây.

Các bé từ 12-18 tháng tuổi

Khái niệm về những điều buồn cười đặc biệt hấp dẫn các bé ở khoảng tuổi này. Bé đang học mọi thứ rất nhanh – giày là để đi vào chân, chiếc áo này của bé, chiếc áo kia của mẹ… Những kinh nghiệm sống ngày càng nhiều này sẽ giúp bé cảm thấy buồn cười khi bạn cố mặc chiếc áo của bé hoặc xỏ giày của bé vào tay…

Lớn hơn một chút, bé không chỉ buồn cười với những gì diễn ra xung quanh mình mà còn bắt đầu có khả năng chọc cười người khác (Ảnh: Inmagine)

Các bé từ 18-24 tháng tuổi

Các kỹ năng thể chất của bé đang ngày càng tăng lên, và có thể dựa vào đây để bé bật cười, với những trò như cù cù vào người bé, cho bé chơi trò tàu bay hoặc xoay tròn. Bé đang học hiểu hơn về thế giới quanh mình không chỉ cảm thấy buồn cười với những gì phản ứng lại với hành vi của bé, mà chính bé có thể bắt chước các hành vi để chọc cười người khác.

Bạn cũng có thể dùng sự hài hước để đánh lạc hướng đứa con tinh quái của mình, khiến bé làm theo những điều bạn mong muốn. Nhiều người nói rằng với nét mặt vui nhộn và 1-2 bài hát có phần ngớ ngẩn, họ đã “dụ” được con đánh răng, chịu ngồi lên ghế hay ngăn ngừa được một cơn đành hanh sắp nổ ra. Trẻ nhỏ thường phản ứng tốt hơn với những trò chơi, trò đùa ngây ngô hơn là với  mệnh lệnh hay tiếng quát tháo mà.

Các bé từ 24-36 tháng tuổi

Bé đang giai đoạn học nói bắt đầu dễ thấy buồn cười trước việc lẫn lộn từ ngữ hoặc trật tự từ, chẳng hạn khi bạn cho một con mèo kêu “gâu gâu”. Trong giai đoạn này bé cũng hiểu hơn về thế giới xung quanh mình cũng như những quy tắc của nó. Và việc thấy người khác, hoặc chính bé “phá luật”, chẳng hạn như việc nói những từ cấm kỵ có thể khá là… hấp dẫn. Trong sự hài hước này tiếp tục có cơ chế gây cười do cảm giác nhẹ nhõm sau khi sợ hãi – bé không biết mình sẽ bị phạt thế nào sau khi hư như thế.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Bạn đã biết gì về nụ cười của bé thơ? (https://www.meo.vn/ban-da-biet-gi-ve-nu-cuoi-cua-be-tho.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *