Tất cả bài viết của Bác sĩ

Bí mật của sự trao đổi chất

Trao đổi chất rất quan trọng đối với sức khoẻ nhưng có bao giờ bạn để ý yếu tố nào ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể chưa? Thử tìm hiểu nhé.

Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản là lượng calo cần để duy trì hoạt động của cơ thể bao gồm nhịp tim, hô hấp, chức năng thận, tiêu hoá và chức năng của não bộ. Mỗi cơ thể đốt cháy một số lượng calo nhất định để duy trì sự sống và tỷ lệ trao đổi chất cơ bản phụ thuộc vào các yếu tố chính sau:

Giới: Đàn ông có tỷ lệ trao đổi chất cơ bản cao hơn nữ giới.

Chiều cao: Người có vóc dáng cao lớn có tỷ lệ trao đổi chất nhiều hơn so với người thấp còi.

Trọng lượng hiện tại: Người béo có tỷ lệ trao đổi chất nhiều hơn người gầy.

Tuổi tác: Người trẻ có tỷ lệ trao đổi chất cao hơn so với người già.

Do vậy đối với một thanh niên trẻ có chiều cao và cân nặng tương đối sẽ có tỷ lệ trao đổi chất cao hơn, nhanh hơn so với một phụ nữ đứng tuổi, gầy và thấp.

Làm thế nào để tăng cường sự trao đổi chất?

Tuổi tác làm chậm quá trình trao đổi chất. Vậy làm thể nào để thúc đẩy chúng?

- Điều đầu tiên cần làm tăng số lần hoạt động thể chất và kéo dài thời gian vận động. Ví dụ thay vì tập thể dục 45 phút/ngày thì mỗi lần tập chỉ cần 15 - 20 phút và khoảng 3 lần /1 ngày.

- Bữa ăn nhẹ: Cung cấp cho cơ thể khoảng 11 đến 20g carbohydrate trước khi tập thể dục vào mỗi sáng để “đánh thức” cơ thể và cung cấp năng lượng duy trì hoạt động. Nếu không cung cấp năng lượng cho cơ thể, gan phải làm việc nhiều hơn để giải phóng glycogen.

- Nhiều bữa nhỏ: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 2-3 bữa lớn và xen kẽ các bữa ăn nhẹ vào các bữa ăn chính để giữ cho hoạt động tiêu hóa được tốt nhất.

- Cafein: Bạn nên cân nhắc điều này và hỏi ý kiến bác sĩ xem cafein có ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ của bạn không. Thức uống có chứa cafein vào buổi sáng sẽ tăng tỷ lệ trao đổi chất và kích thích hoạt động cho bạn. Tuy nhiên lưu ý không nên lạm dụng quá nhiều cà phê bạn nhé.

- Bổ sung vitamin: Cung cấp vitamin tổng hợp để đảm bảo cơ thể bạn có đủ vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tiêu hoá thức ăn và hấp thụ dưỡng chất một cách tốt nhất.

- Nước: Tăng lượng nước cho cơ thể và cung cấp thường xuyên, ngoài ra để bạn hấp thụ nước được nhiều hơn và có thể thêm nước quả để tránh nhàm chán.

Các thực phẩm “sợ” tủ lạnh

Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta có thói quen mua thực phẩm về cất trong tủ lạnh dùng dần. Thực tế, tủ lạnh không thể “bảo hiểm” cho mọi loại thực phẩm luôn tươi ngon.

1. Trái cây nhiệt đới


Hoa quả vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thích ứng kém nhất với nhiệt độ thấp. Nếu giữ các loại trái cây này trong tủ lạnh lâu dễ khiến phần vỏ bên ngoài xuất hiện các chấm nâu, dinh dưỡng bị hao hụt, biến chất.

Mặc dù đa số các loại dưa tươi đều có thể giữ ở nhiệt độ 0-4oC trong 1-2 ngày. Nhưng không phải loại trái cây nào cũng thích hợp với cách bảo quản này.

Chuối tiêu: nên bảo quản từ 12oC trở lên.

Cam quýt: 2-7oC.

Nho, hồng…: nếu bảo quản ở nhiệt độ thấp không chỉ làm giảm hương thơm, mà còn khiến lớp vỏ bị đổi màu.

Dâu tây, dâu ta…: tốt nhất nên ăn ngày sau khi mua, bảo quản bằng tủ lạnh không chỉ làm thay đổi hương vị, mà còn khiến trái cây dễ bị mốc.

2. Các loại rau nhiều nước

Nước trong các loại rau lá thường bốc hơi nhanh bởi vậy nên ăn ngay sau khi mua.

Các loại củ quả vỏ dày như khoai tây, cà rốt, bí ngô, bí đao, hành tây…nên bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Bảo quản cà chua ở nhiệt độ thấp, một phần hoặc cả quả sẽ xuất hiện tình trạng bị dập nát, thậm chí nổi mốc, giảm hương vị tươi ngon.

3. Các loại thực phẩm muối, khô

Bánh quy, kẹo, mật ong, dưa muối, các thực phẩm khô…không cần phải bảo quản bằng tủ lạnh.

Sô cô la để trong tủ lạnh, bên ngoài dễ biến chất, xuất hiện lớp phấn trắng, không còn hương vị ban đầu. Vì vậy nếu cho tủ lạnh phải bọc kín trong túi nilon.

4. Không để lâu thịt cá

Thịt, cá cần được bảo quản lạnh nhưng không nên để quá lâu. Nếu phát hiện thịt đông lạnh có màu vàng, chắc chắn do lớp mỡ đã bị oxy hoá, bạn nhất định phải bỏ đi.

Bún riêu Nam Bộ ở Hà Nội

Còn gì tuyệt hơn là ngồi xì xụp một bát bún riêu Nam Bộ nóng sốt trong cái tiết trời ẩm ướt tháng 3 này bạn nhỉ?

 

Nằm trên con phố Hàng Bông sầm uất, lại ở ngay vị trí "đắc địa" ở ngã tư cắt với Phủ Doãn và Đường Thành, vậy nên hàng bún riêu Nam Bộ ở đây không lúc nào là ngớt khách. Và có một điểm cộng lớn là hàng này phục vụ khá nhanh.
Món bún riêu ở đây mang đậm hương vị Nam Bộ, vậy nên nó khá khác biệt so với món bún riêu thường ăn. Một bát bún đầy đủ gồm có một thanh giò, một miếng tiết heo, một chiếc móng nhỏ xinh, đậu chiên, chả cá và một viên gạch cua băm với thịt. Tất cả đều không quá ít nhưng cũng không phải là nhiều, nói chung là đủ để bạn xua tan cơn đói nhưng sẽ không giúp bạn no căng bụng sau khi ăn.
Về hương vị mà nói, thì bún riêu ở đây cũng đã tạo được sự "đột phá" so với những hàng khác. Nước dùng thơm và vừa miệng, viên gạch cua băm thịt thì ăn khá ngậy và cũng dậy mùi thơm của cua, thanh giò thì khá bình thường và không có gì nổi trội cho lắm. Nhưng tựu chung lại thì vẫn là quá đủ cho một buổi chiều mưa bay bay lạnh buốt, xuýt xoa bên bát bún riêu thoảng mùi cua đồng, mùi mắm tôm, ăn vừa thanh thanh lại vừa béo béo nhờ vị của miếng chân giò. Thêm một chút ớt chưng, một chút dấm bỗng và bạn còn chờ gì nữa mà không thưởng thức ngay tô bún còn đang nghi ngút khói này.
Giá cho một tô bún riêu Nam Bộ đầy đủ ở đây là vào khoảng 30.000 nhé. Không quá đắt nhưng so với những gì chúng mình được ăn thì cũng không phải là rẻ.

Canh chua cá lóc Nam bộ

Hương thơm nhẹ quyến rũ, vị chua ngọt tự nhiên, đậm đà của món canh chua cá lóc được nấu đúng kiểu miền Nam sẽ làm mới lạ thực đơn nhà bạn.

 

Nguyên liệu:

Xương ống hầm lấy nước dùng; Cá quả (cá lóc): 2-3 khúc; Cà chua, dứa, dọc mùng, đậu bắp, me, ngổ, hành.

Cách làm:

- Xương ống sau khi hầm lấy nước dùng vừa đủ, lọc qua rây một lượt cho trong. Lấy riêng một ít nước dầm với 1-2 quả me.

- Cá quả có thể chọn phần thịt, hoặc lấy riêng đầu và đuôi đều được. Rửa sạch ướp cùng chút gia vị, hạt tiêu, hành khô băm nhỏ.

- Cà chua thái múi cau. Dứa thái lát nhỏ. Dọc mùng tước vỏ thái vát, bóp với muối rồi xả sạch. Đậu bắp cắt miếng nhỏ

- Phi thơm tỏi băm, cho nước xương hầm vào. Đun sôi

- Khi nồi nước dùng sôi, thả cá vào, chỉnh nhỏ lửa, đun sôi nhẹ trong khoảng 5-7 phút cho đến khi cá chín thì vớt ra.

- Lần lượt cho cà chua, dứa, dọc mùng, đậu bắp vào đun sôi. Tiếp đến cho nước me đã lọc qua. Nêm nếm lại gia vị, có thể cho thêm ít đường để có vị ngọt đậm đúng kiểu miền Nam.

- Cuối cùng cho cá vào, đợi canh sôi lại lần nữa thì cho ngổ và hành cắt nhỏ vào.

- Khi dọn và múc ra bát, nên phi ít tỏi băm rưới lên trên, món canh có hương thơm rất quyến rũ.

Mẹo sử dụng dầu ăn tiết kiệm

Một số bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn sử dụng dầu ăn hiệu quả và tiết kiệm hơn.

 

1. Lựa chọn dầu theo nhu cầu sử dụng

Một chai dầu nành, dầu mè hoặc dầu ô-liu có mức giá vừa phải vẫn đủ “khả năng” giúp bạn đảm đương tốt nhiệm vụ chế biến, nấu nướng các món ăn, từ chiên, xào, kho cho đến các món nước sốt…
Điều này cũng có nghĩa là bạn không cần phải sử dụng những loại dầu ăn đắt tiền mà món ăn vẫn thơm ngon như bình thường. Tuy nhiên, đối với những món ăn đòi hỏi mùi vị đặc trưng riêng thì bạn cần phải chọn loại dầu thích hợp để không làm ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Đây chính là lúc bạn cần đến những loại dầu đặc biệt và hơi đắt hơn so với những loại bình thường như dầu ô-liu nguyên chất…
Giải pháp cho vấn đề này chính là chọn một loại dầu đắt tiền dành riêng cho những món ăn đặc biệt và một chai dầu ăn bình thường để dùng cho các món còn lại.

2. Tìm hiểu thông tin về loại dầu định mua

Không phải mọi nhãn hiệu đều giống nhau. Do vậy, điều quan trọng nhất khi chọn mua dầu ăn là bạn phải nắm bắt được thông tin về loại dầu định mua.
Đó có thể là loại dầu bạn hoặc một người quen đã từng dùng. Tham khảo ý kiến của người bán hàng cũng là cách giúp bạn có được những lựa chọn đúng đắn nhất mà không phải lãng phí tiền cho những loại dầu có thể không cần đến.

3. Hiểu rõ chất lượng và giá trị của từng loại dầu

Đừng băn khoăn về giá tiền cao hay thấp. Các nhà sản xuất luôn tìm cách “đánh bóng” nhãn hàng của mình. Đó chính là lý do vì sao một số mặt hàng có giá khá cao trong khi chất lượng lại bình thường như những sản phẩm cùng loại.
Dầu ô-liu đắt là vì chi phí nguyên liệu và nhân công để sản xuất ra nó cao hơn so với các loại dầu đậu nành, dầu ngô hay dầu mè… Để chọn đúng sản phẩm theo nhu cầu, bạn cần hiểu rõ được giá trị và chất lượng của sản phẩm.

4. Bảo quản dầu đúng cách

Ánh sáng, nước, sức nóng và không khí chính là những “kẻ thù” của dầu ăn,  vì vậy, nên để dầu ăn ở những nơi mát và tối (như trong tủ hoặc kệ bếp).
Ngoài ra, một số loại dầu ăn còn có những yêu cầu khá đặc biệt. Thí dụ, dầu ô-liu thường dễ bị ô-xy hóa, khiến cho chúng nhanh bị ôi nên hạn sử dụng sẽ ngắn hơn so với các loại dầu thực vật khác. Dầu ô-liu lại bị đông đặc nếu để lạnh. Vì vậy, cách bảo quản tốt nhất chính là để chúng ở nhiệt độ bình thường. Sau khi mở nắp, chỉ có thể dùng được trong vòng sáu tháng.

Đối với dầu đậu phộng và dầu vừng, bạn cần bảo quản lạnh trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, trước khi dùng, phải mang ra khỏi tủ lạnh và đợi cho đến khi dầu tan chảy.

5. Hãy tiết kiệm

Một số loại dầu như dầu ngô, dầu đậu nành có thể dùng trong vòng hơn một năm kể từ khi mở nắp. Do đó, nếu mua những loại dầu này với số lượng lớn hoặc chọn những chai có dung tích lớn sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn nhiều so với việc mua từng chai nhỏ.
Ngược lại, những loại dầu khó bảo quản như ô-liu, dầu đậu phộng hay vừng thì chỉ nên mua từng ít một để có thể sử dụng hết, vừa tiết kiệm lại vừa đảm bảo chất lượng.

6. Chọn đúng dụng cụ bảo quản

Các loại chai được làm từ thủy tinh có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng của dầu vì chúng hấp thu các tia tử ngoại. Việc tiếp xúc ánh nắng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho những loại dầu chưa tinh chế như dầu ô-liu.
Do vậy, nên cho những loại dầu này vào các loại chai, lọ làm bằng kim loại hoặc thủy tinh đậm màu. Khi chọn mua dầu, bạn cũng nên lựa chọn các loại chai làm từ những chất liệu này vì chất lượng của chúng sẽ được đảm bảo tốt hơn.

3 loại sinh tố ngon từ dứa

Dứa ăn trực tiếp thường khiến bạn bị rát lưỡi, bởi vậy xay sinh tố là một cách vừa giúp bạn giải khát tốt lại vừa bổ sung vitamin mà không bị rát lưỡi.

 

Dứa là một trong những loại quả đặc trưng của những vùng nhiệt đới được nhiều người yêu thích với nhiều vitamin rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên dứa ăn trực tiếp chỉ khoảng 2 miếng là bạn thường bị rát lưỡi, chính vì vậy bạn không ăn được nhiều. Cách sử dụng dứa làm đồ uống vừa giúp bạn giải khát tốt, vừa bổ sung vitamin mà lại không làm bạn bị rát lưỡi. Cùng thử nhé!
Sinh tố dứa - dừa
Nguyên liệu (cho 2 cốc)
200gr dứa tươi - cắt miếng vuông; 200ml sữa tươi nguyên kem; 30ml nước cốt dừa; 50gr dừa nạo hoặc dừa tấm.

Rất đơn giản, bạn chỉ cần cho dứa vào máy xay sinh tố, đổ sữa, nước cốt dừa và 1/2 lượng dừa nạo / dừa tấm lên trên, xay tới khi có được một hỗn hợp thật mịn. Dùng 1/2 lượng dừa nạo còn lại rắc lên trên mặt cốc sinh tố để trang trí.

Sinh tố dứa - xoài - chuối
Nguyên liệu (cho 3 cốc)
200gr dứa - cắt miếng vuông 2cm x 2cm; 200gr xoài - cắt miếng vuông 2cm x 2cm; 1 quả chuối to, cắt lát; 500ml nước cam hộp; 1 viên kem vani; 30ml mật ong.
Cho dứa, xoài, chuối vào máy xay đổ nước cam và mật ong lên trên và cuối cùng cho viên kem vào, xay mịn trong khoảng 2 phút. Với món sinh tố đầy dinh dưỡng này bạn có thể dùng trong bữa sáng sau khi ăn trứng ốp hoặc bánh mỳ sẽ rất tuyệt.
Sinh tố dứa - lê - dâu tây
Nguyên liệu (cho 1 cốc)
2 khoanh dứa cỡ trung bình, dày khoảng 2cm; 2 quả lê nhỏ, bỏ vỏ và lõi, cắt miếng vuông 2cm x 2cm; 4 quả dâu tây cỡ trung bình; 50ml nước cam hoặc nước táo hộp.
Cho các nguyên liệu trên vào  máy xay, xay nhuyễn để có một ly sinh tố với vị chua ngọt rất dễ chịu. Nếu thích bạn có thể múc  một thìa kem vani thả lên trên để ly sinh tố của bạn ngon hơn, thú vị hơn.
Chúc các bạn luôn khỏe mạnh tràn đầy sức sống với những ly sinh tố tuyệt ngon nhé!

Cá nục kho cà

Với một chút thời gian và những nguyên liệu đơn giản, là bạn đã có ngay một món cá kho chua chua, mặn mặn cho bữa cơm gia đình thêm ngon miệng.

 

Nguyên liệu:

Cá nục ( loại lớn ) 300 g; Cà chua chín đỏ 150 g; Hành lá, tỏi, tương ớt, tương cà.

Cách làm:

Cá sau khi mua về lấy ruột và rửa thật sạch, cắt đôi
Ướp với: bột ngọt, nước mắm, tiêu xay, ớt khô, đầu hành đập dập, tương ớt, tỏi băm..... để cá thấm trong 10p.
Cà chua : bỏ hạt, cắt hạt lưu.
Cá sau khi thấm gia vịt, gạt bỏ bớt tiêu và hành lá bám trên mình cá, chiên sơ qua dầu thật nóng.
Bắc chảo nóng, khử tỏi thật thơm, xào cà chua đã xắt hạt lựu với 1 ít nước mắm ngon, khi cà chua đã bắt đầu nhừ, cho thêm nước lạnh và nước ướp cá vào xâm xấp mặt cà, xếp cá vào, nêm lại 1 ít nước mắm, hạt nêm, một chút tương cà và tương ớt.
Tiếp tục riu nhỏ lửa đến khi cà sệt lại, xếp ra dĩa dùng với cơm nóng

Cách bảo quản thức ăn đã nấu chín

Thời gian bảo quản thức ăn đã nấu chín phụ thuộc loại thức ăn và nguyên tắc chế biến.

 

Nếu thời tiết mát mẻ, các loại thức ăn đã qua chế biến có thể để được từ bốn đến sáu giờ, nhưng vào mùa nóng thì sẽ dễ ôi thiu nếu không bảo quản tốt.
Với cơm, tốt nhất vẫn là nấu bữa nào dùng hết bữa nấy. Tuy nhiên, khi phải để lại, cần chú ý không để các loại món ăn khác dính vào phần cơm. Không dùng vá (thìa) xới cơm để múc thức ăn rồi lại xới cơm lần nữa. Cơm dùng xong để chỗ thoáng mát, đậy bằng rổ thưa hoặc cho vào tủ lạnh, ngăn mát.
Với các loại thức ăn đã nấu chín, nếu dùng không hết phải để lại thì cách bảo quản tốt nhất là nấu sôi trở lại. Sau đó mở nắp, làm nguội nhanh và cho vào hộp cất vào tủ lạnh. Khi dùng lại các loại thực phẩm này, nên nấu sôi lại lần nữa và không tiếp tục lưu trữ lại lần thứ hai. Không lạm dụng lò vi ba để hâm nóng thức ăn đã qua sử dụng nhiều lần.
Trong trường hợp không có điều kiện để bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, cần lưu ý: để món ăn trong nồi, chỗ mát mẻ, không để gần bếp lò. Thức ăn nấu xong, ăn ngay. Nếu còn lại, không cho phần còn thừa chung vào nồi. Nếu cần bảo quản, phải nấu sôi món ăn trở lại, sau đó mở nắp cho mau nguội trước khi đem cất. Sau khi đã nấu sôi, không tiếp tục khuấy trộn, đảo thức ăn trong nồi.
Vào mùa nóng, thức ăn chưa dùng hết, sau khi đã đun sôi, để chỗ mát, sau sáu giờ cần đun sôi trở lại trước khi dùng. Các món nộm, trộn gỏi làm xong dùng ngay, không để lại quá hai giờ (kể cả nếu được bảo quản trong tủ mát).
TS Nguyễn Thị Diệu Thảo

Giáo dục sức khỏe sinh sản: Cha mẹ nên gợi chuyện

Cung cấp kiến thức về cuộc sống, tình yêu, sức khỏe sinh sản, tình dục thông qua trò chuyện giữa cha mẹ và con cái là mục đích của Dự án “Tạo sự gắn kết” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

 

Hội nghị Tổng kết dự án vừa diễn ra tại Hà Nội với 600 thành viên đến từ 6 tỉnh, thành phố cho thấy khi được “vẽ đúng đường”, trẻ vị thành niên tự tin và chủ động hơn với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tình dục.
Tự tin khi nói về tình yêu, tình dục
Không còn sự bỡ ngỡ, ngại ngần hay đỏ mặt khi được hỏi đến vấn đề sức khỏe tình dục, trẻ vị thành niên (VTN) tham gia Hội nghị tổng kết Dự án Tạo sự gắn kết đã thể hiện sự tự tin, mạnh dạn khi đề cập đến vấn đề trước đây được cho là “nhạy cảm”.
“Như em được biết, hiện nay có một bộ phận trẻ VTN quan hệ tình dục, có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn. Nguyên nhân một phần là do thiếu hiểu biết, tò mò, con gái muốn níu giữ tình yêu hay sợ mất lòng người yêu... Khi tham gia CLB, vượt qua những ngại ngần ban đầu, em đã thấy tự tin hơn, thậm chí có thể đi giảng lại cho các em nhỏ hơn từ những hiểu biết của mình” – Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 11, Trường THPT Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội nói.
Bài tập xử lý tình huống là nội dung được nhiều thành viên CLB Em gái, em trai VTN ưa thích. Ảnh: Thu Nguyên
“Em và các bạn thích nhất là phần bài tập xử lý tình huống. Ví dụ như: Sẽ làm gì nếu có một người lạ muốn đưa về sau khi tan học buổi tối? Hay nếu một bạn nữ bày tỏ tình cảm với em, em sẽ xử lý như thế nào để vẫn giữ được mối quan hệ tốt với bạn?” ... Những tình huống đó rất có thể chúng em sẽ gặp ở ngoài đời, nhưng nếu không được chuẩn bị tâm lý, rất nhiều bạn sẽ khó để có cách xử lý đúng!” - Vũ Hồng Nhung, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Gia Sàng – TP Thái Nguyên chia sẻ.
Anh Nguyễn Như Hoan (công tác tại Thành đoàn Hà Nội) hướng dẫn viên các CLB phường Khương Đình, quận Thanh Xuân cho hay: Nhiều gia đình vẫn còn e ngại việc nói chuyện với các con về vấn đề này. Trong khi đó nếu không “thỏa mãn” với lý giải của người lớn về sức khỏe sinh sản, tình dục, nhiều em có thể sẽ tìm đến bạn bè đồng lứa, hoặc tìm đến Internet, game online. Điều này rất dễ khiến các em có những kiến thức lệch lạc.
Cũng theo anh Hoan, gần 28% nam VTN (cả tham gia và không tham gia CLB) biết về biện pháp tránh thai từ Internet, điều đó cho thấy “sức cuốn hút” thông tin từ nguồn này rất lớn.
Cha mẹ chủ động “khơi mào”
4Từ tháng 7/2007 đến hết năm 2010, Quỹ Ford đã tài trợ cho Hội LHPN Việt Nam thực hiện dự án Xây dựng mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con vị thành niên thông qua trò chuyện về cuộc sống, tình yêu và sức khỏe tình dục, bao gồm cả HIV (gọi tắt là Dự án Tạo sự gắn kết).
Dự án với 30 câu lạc bộ (CLB Bà mẹ, CLB Em trai VTN, CLB Em gái VTN) được thành lập tại 6 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Thái Bình, Hòa Bình và Nam Định với hơn 600 bà mẹ và trẻ VTN đã được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến giới, sức khỏe sinh sản và tình dục.
Chị Vũ Thị Lụa, thôn Tây Bình Cách, xã Đặng Xá (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 cô con gái đang tuổi lớn, cả ngày quần quật làm việc, tôi không có thời gian để ý đến sự thay đổi trong “thời kỳ nhạy cảm” này của các con. Từ lúc tham gia CLB các bà mẹ, tôi bắt đầu chú ý đến tâm tính, hình thức thay đổi của các cháu và chủ động gợi chuyện để giải tỏa những vướng mắc của con”.
Đồng quan điểm với chị Lụa, chị Dương Thị Hằng, ở phường Gia Sàng (TP Thái Nguyên) kể: Có lần chị thuyết phục con trai tham gia các hoạt động tập thể nhưng cháu không đồng ý, ngang bướng cãi mẹ. Bằng kiến thức và kinh nghiệm học được ở CLB Các bà mẹ mà chị tham gia từ 2 năm nay, thay vì cáu gắt, dọa nạt con, chị đã nhẹ nhàng chỉ ra lợi ích của hoạt động này và cháu đã vui vẻ tham gia.
Khảo sát của Dự án cho thấy: 87,3% số bà mẹ tham gia CLB sau khi nói chuyện cởi mở với con cái về các vấn đề về bình đẳng giới và bạo hành đã thấy rất hài lòng. Chỉ 1,9% số bà mẹ chưa từng trao đổi với con về bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV...  Tỷ lệ này cũng tương đương đối với các vấn đề trao đổi giữa mẹ - con về các biện pháp tránh thai, phá thai, bình đẳng giới...
“Tuy nhiên, qua khảo sát ở các em tham gia CLB, chỉ 18,3% số em đã hỏi mẹ các thông tin về tình dục, trong khi đó 36% các em đem thắc mắc này đi hỏi bạn bè. Điều đó cho thấy càng phải gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa cha mẹ và con VTN”, bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Giám đốc Dự án “Tạo sự kết nối” chia sẻ.

Xử trí vết thương do bỏng

 

Bỏng không những gây đau đớn mà có thể làm chết người. Diện tích da bị bỏng càng rộng và bỏng càng sâu thì vết bỏng càng nặng. Bỏng nặng là khi diện tích bỏng bao phủ toàn bộ cánh tay, đùi, đầu, nửa lưng hay quá nửa ngực.

Chỉ nên dùng nước sạch dội lên vết bỏng để hạn chế tổn thương

Để phòng tránh bị bỏng không nên cho trẻ em đến gần lửa, gần nước sôi, bàn ủi, bếp điện, lò sưởi điện. Không nên cho trẻ nghịch diêm quẹt. Khi nấu ăn, cần quay cán soong, nồi, chảo nấu ở trên bếp vào phía trong an toàn để trẻ không với tới. Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là tại những hố vôi mới tôi xong phải rào kín chung quanh, có biển báo hiệu để cho mọi người biết và tránh đến gần.

Xử lý vết bỏng ở da bằng cách loại bỏ ngay nguyên nhân gây bỏng như tắt lửa, đưa ngay trẻ ra khỏi nguồn nước sôi... Phải cắt bỏ quần áo để lộ vùng bị bỏng, rửa sạch vết bỏng bằng nước sạch.

Xử trí tùy mức độ bỏng

- Nếu bỏng chỉ làm đỏ da, cần ngâm chỗ bị bỏng vào nước lạnh hoặc nước đá.

- Nếu bỏng chỉ gây nốt phỏng nhưng vết phỏng chưa vỡ, đừng nên chọc vỡ vết phỏng mà nên dùng miếng vải sạch rửa nhẹ chỗ bị bỏng bằng nước sạch hay nước xà phòng. Sau đó dùng băng vải sạch hay băng cuộn băng nhẹ vết bỏng và tháo bỏ băng sau một tuần.

- Nếu bỏng chỉ gây nốt phỏng nhưng vết phỏng đã bị vỡ, cần rửa vết bỏng nhẹ nhàng bằng nước đun sôi để nguội và xà phòng. Sau đó, khử trùng một ít chất vaselin bằng cách hơ nóng, trát lên một miếng băng gạc vô trùng và băng chỗ vết bỏng lại. Nếu không có vaselin nên để hở da, không được bôi mỡ, bơ hay bất kỳ một loại dầu gì lên vết bỏng. Một vấn đề cần lưu ý là giữ vết bỏng cho sạch, để tránh ruồi bám đậu có thể phủ lên vết bỏng bằng một chiếc khăn sạch.

- Nếu vết bỏng đã có mùi hôi do bị nhiễm trùng, cần rửa sạch chỗ bị bỏng bằng nước muối loãng với nồng độ 1 lít nước pha với 1 muỗng cà phê muối và đun sôi để nguội. Dùng kéo đã đun nấu khử trùng cắt lọc hết toàn bộ các mảnh da thối. Sau đó, dùng một miếng vải sạch hay băng gạc sạch vô trùng thấm nước muối rồi băng lên vết bỏng mỗi ngày 2 lần. Cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi trên mặt da xuất hiện một lớp vảy mỏng thì băng vết thương lại. Sử dụng kháng sinh penicilline tiêm với 500.000 đơn vị, dùng liên tiếp trong 5 ngày. Cần cho nạn nhân bị bỏng uống nhiều nước, có thể cho uống thêm thuốc aspirine để chống đau nhức.

- Nếu gặp các trường hợp bị bỏng nặng như diện tích bỏng rộng, vết bỏng sâu lòi cả thịt ngay dưới vết bỏng thì cần phải loại ngay tác nhân gây bỏng, phủ lên vùng bị bỏng một miếng vải sạch. Cho nạn nhân uống nước đường-muối, nước cháo đường hoặc nước pha đường; cho uống thuốc aspirine chống đau, nếu có điều kiện an toàn về y tế cho phép có thể tiêm 1 lọ thuốc penicilline và chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện nơi gần nhất.

- Trong trường hợp vết phỏng chưa bị vỡ hay vết phỏng chỉ làm đỏ da, có thể chữa bằng phương pháp đông y là bôi mật ong lên vùng da bị bỏng.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh