9 buổi tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cán bộ bệnh viện

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Một bí thư tỉnh đến bệnh viện thăm người nhà ốm, hỏi nhân viên y tế cũng bị quát như dân thường. Bộ Y tế quyết định chấn chỉnh y đức bằng 9 buổi tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cán bộ bệnh viện.

Buổi tập huấn đầu tiên cho nhân viên y tế của hơn 70 bệnh viện tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã diễn ra ngày 27/3. Tại đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Người tu hành ngày nào cũng ‘lần tràng hạt niệm nam mô’ để rèn cái tâm, bác sĩ không thể lúc nào cũng lẩm nhẩm 12 điều y đức nên đâu đó có thể xảy ra tiêu cực. Đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh”.

Chưa bao giờ người dân và cộng đồng đòi hỏi gay gắt việc nâng cao y đức như hiện nay, đặc biệt với lĩnh vực điều dưỡng, hộ sinh. Bộ trưởng Tiến lấy ví dụ câu chuyện về một ông bí thư tỉnh ủy vào thăm người nhà tại một bệnh viện. Đến buồng bệnh vị lãnh đạo này hỏi một nhân viên y tế thì bị quát “Đi vào trong mà hỏi”. Lúc đến cửa buồng thấy một số điều dưỡng đang đứng buôn chuyện, ông cũng vào hỏi thì bị cô điều dưỡng hất hàm “Không nhìn thấy chữ ở trên tường à”.

“Chính điều đó càng tạo bức xúc về vấn đề y đức, tạo ra một cái nhìn không thiện cảm với ngành y”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Tiến, phải thay đổi được suy nghĩ của y bác sĩ, nhân viên bệnh viện theo hướng luôn coi người bệnh là khách hàng, là người đem đến thu nhập cho mình và cần phải chăm sóc chu đáo. Sự thay đổi này phải từ đội ngũ trông giữ xe, bảo vệ bệnh viện đến điều dưỡng, bác sĩ.

Bộ Y tế sẽ lần lượt tổ chức 9 buổi tập huấn tương tự cho cán bộ chủ chốt của các bệnh viện trong thời gian tới. Các bác sĩ, điều dưỡng sẽ được nghe các bài tham luận về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Cụ thể, nhân viên y tế cần có thái độ lịch sự, hòa nhã, động viên, an ủi, tôn trọng người bệnh cũng như gia đình họ. Đồng thời thực hiện khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở, chăm sóc tận tình, bệnh nhân về, dặn dò chu đáo”.

Theo ông Đoàn Hữu Đủ, Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, trong giao tiếp với người bệnh, nhân viên y tế nên tránh lối nói cửa quyền, hách dịch, giận cá chém thớt, kỳ thị… Điều dưỡng cần có thái độ thân thiện khi tiếp xúc với người bệnh thông qua ánh mắt, nụ cười và cử chỉ thân thiện, không gợi ý người bệnh, người nhà đưa tiền, quà, chịu trách nhiệm nếu có phản ánh về tinh thần và thái độ phục vụ.

Y bác sĩ cần tận tình chăm sóc bệnh nhân. Ảnh minh họa: N.P.

Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, muốn nâng cao y đức trong ngành y trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ điều dưỡng, bởi hơn 60% người bệnh khi vào viện thường tiếp xúc trực tiếp với điều dưỡng đầu tiên và suốt quá trình điều trị. Áp lực công việc của họ trong các bệnh viện hiện lớn nên ngoài việc ép họ vào chuẩn đạo đức nghề nghiệp, cần phải xây dựng được văn hóa giao tiếp trong bệnh viện.

“Điều dưỡng hay bác sĩ phải biết tươi cười khi tiếp đón, phải biết nói lời cảm ơn với người bệnh. Vì có bệnh nhân thì mới có điều kiện cho họ hành nghề, mới giúp tăng nguồn thu cho bệnh viện và tăng thu nhập cho bản thân họ”, ông Mục cho biết.

Năm 2011, Công đoàn ngành y tế đã phát động phong trào thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, trong đó có nội dung bác sĩ nói không với phong bì. Cuối năm 2012, Bộ Y tế tiếp tục ban hành chuẩn đạo đức cho điều dưỡng viên.

(Theo Vnexpress)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: 9 buổi tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cán bộ bệnh viện (https://www.meo.vn/9-buoi-tap-huan-ky-nang-giao-tiep-ung-xu-cho-can-bo-benh.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *