8 sai lầm bố mẹ thường mắc phải khi dạy con – Phần cuối

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

(Webtretho) Thỉnh thoảng bạn lại thấy các nỗ lực gìn giữ kỉ luật của mình phản tác dụng, vì sao lại như vậy? Bạn là bố mẹ kia mà, vì sao con lại cứ lờ lời nói của bạn đi? Bạn mang máng nhận ra rằng mình đã làm sai rồi, nhưng sai chuyện gì thì bạn vẫn chưa xác định được? Hãy thử cùng chúng tôi điểm qua một vài sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh, xem có bạn trong đó hay không nhé!

>> Phần 1 | Phần 2

Sai lầm số 7: Đợi quá lâu mới áp dụng hình phạt

Một bà mẹ kể lại kinh nghiệm mới xảy ra gần đây: chị bị kẹt xe trên đường đón con đi học về. Con gái nhỏ của chị tỏ ra buồn chán, bé bắt đầu dấm dứt không yên và cố gắng nhoài ra khỏi chỗ ngồi của mình. Đã bực vì kẹt xe thì chớ, lại thêm con quấy, chị nói với con rằng nếu bé không chịu ngồi lại cho đàng hoàng thì sẽ không được nghe truyện cổ tích trước khi đi ngủ nữa – đây là một cách thức đối phó hữu hiệu mỗi khi con gái chị trì hoãn không chịu thay đồ ngủ hoặc đánh răng trước khi đi ngủ. Nhưng lần này giờ đi ngủ còn lâu mới đến, thế là lời đe dọa chẳng xi nhê gì. Cô bé con vẫn tiếp tục nghịch, và nhiều giờ sau, đến lúc bé chuẩn bị vào giường thì nhắc lại chuyện lúc chiều có vẻ là việc vô ích

Vì sao mẹ lại phạt con chứ? (Ảnh: Inmagine)

Cách tốt hơn: “Chỉ cần một tiếng đồng hồ sau là trẻ con đã không còn nhớ chúng đã làm sai những gì rồi, đừng nói đến ngày hôm sau,” Barnes nói. “Vậy nên bạn nên cho trẻ thấy hậu quả hành động của chúng càng sớm sau khi hành vi xấu diễn ra càng tốt. Nếu con đánh bạn bằng một chiếc xe đồ chơi, đừng hủy bỏ buổi đi chơi ngày mai làm gì, chỉ cần tịch thu chiếc xe kia là được.”

Sai lầm số 8: Nói dài, nói dai

Một phụ nữ tâm sự là chồng cô có xu hướng hay giải thích dông dài với con gái, chẳng hạn như đi ngủ là chuyện tốt bởi vì đi ngủ sẽ giúp con bé sẽ cảm thấy khỏe hơn và sẵn sàng cho một ngày bận rộn sắp tới tại nhà trẻ. Tuy bạn luôn có thôi thúc nói lý với một đứa trẻ nhưng kết quả, bạn cũng thấy đấy, chẳng khác gì nước đổ lá môn.

Cách tốt hơn: “Trẻ con không phải là những người lớn thu nhỏ,” Barnes nói. “Những lời giải thích hoặc hướng dẫn dông dài rốt cuộc sẽ đi từ tai nọ qua tai kia của chúng.” Với con còn nhỏ, chỉ cần nói “Không ăn bánh trước khi ăn tối” là đã đủ truyền tải thông điệp rồi, bạn không cần giảng giải về việc đồ ngọt sẽ làm con hết thèm ăn như thế nào. Bạn cũng cần chọn từ ngữ phù hợp với lứa tuổi nữa. “Có lần tôi gặp một bậc phụ huynh, ông này quá mệt mỏi vì phải luôn mồm bảo con trai đừng mè nheo nữa,” Barnes kể. “Sau đó, một ngày kia thằng bé mới hỏi, ‘Mè nheo nghĩa là sao hả ba?’” Dùng những từ như “mè nheo” thì cũng không sao, miễn là bạn giải thích rõ bạn muốn nói gì: “Ba không thể hiểu được con muốn gì khi con mè nheo như thế. Con nói lại rõ ràng cho ba nghe xem nào.”

Cả nhà mình cùng sửa sai nhé (Ảnh: Inmagine)

Trở lại đúng đường

Bạn đưa ra lời cảnh cáo, sau đó nhượng bộ. Hoặc bạn la hét với con vì nó dám la hét bạn. Dưới đây là những lời khuyên làm thế nào để khắc phục những thói quen chưa tốt của chính bạn, từ Nancy Schulman, đồng tác giả cuốn sách Practical Wisdom for Parents – Kiến thức thực tiễn dành cho phụ huynh.

Quá khứ là quá khứ

“Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm,” Schulman nói. “Có dằn vặt hay ân hận mãi thì cũng chẳng được gì. Thay vào đó, hãy nói rằng: ‘Bố/ mẹ biết mình đã nói hoặc làm điều không nên làm, từ bây giờ cả nhà mình hãy cùng cố gắng để làm theo những quy tắc nhé.’”

Cứ từ từ thôi

Ngay cả khi bạn cảm thấy các biện pháp kỷ luật của mình cần được đại tu hoàn toàn, hãy chỉ chọn hai vấn đề bức thiết nhất và bắt đầu từ đó, đừng làm con choáng ngợp với cả chục quy tắc mới. Bạn cũng thừa hiểu là cố gắng có quá nhiều thay đổi cùng một lúc thì 99% khả năng sẽ là mọi thứ sẽ y như cũ. “Hãy ngồi xuống bàn bạc khi tất cả mọi người đang bình tĩnh và thông qua các quy tắc để con biết bạn mong muốn gì ở chúng,” Schulman nói.

Khôn khéo

Bạn vẫn là người nắm quyền lực trong nhà, nhưng hãy tinh quái hơn một chút. Giả sử con bạn luôn làm trận làm thượng về chuyện ăn gì vào bữa sáng. Thay vì đánh vật với con mỗi buổi sáng, bạn hãy cho con quyền lựa chọn, nhưng chỉ hai lựa chọn thôi – chẳng hạn như ăn ngũ cốc hay bánh mỳ với trứng – để bé có cảm giác mình vẫn kiểm soát tình hình.

Chuyện gì cũng cần có thời gian

“Cần phải có thời gian để thay đổi một chuỗi hành vi xấu,” Schulman lưu ý. “Nếu bạn bắt đầu xử sự cương quyết, nhất quán thì kỷ luật rồi cũng sẽ ngấm. Có thể sẽ phải mất mười hoặc hai mươi lần, nhưng cuối cùng bọn trẻ sẽ hiểu vấn đề.”

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: 8 sai lầm bố mẹ thường mắc phải khi dạy con – Phần cuối (https://www.meo.vn/8-sai-lam-bo-me-thuong-mac-phai-khi-day-con-phan-cuoi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *