7 bí mật nuôi dạy con hạnh phúc – Phần cuối

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

(Webtretho) Ai làm bố làm mẹ cũng đều muốn những điều giống nhau cho con cái mình: muốn con giỏi giang, biết cách theo đuổi ước mơ, tìm kiếm thành công, biết cách yêu thương và được yêu thương… Nói chung nhất, ta muốn con hạnh phúc. Nhưng điều gì có thể làm cho con hạnh phúc? Và điều đó có nằm trong khả năng của chúng ta?

>> Phần 1 – Nuôi dưỡng tình yêu thương

4. Khen ngợi con đúng lúc

Không có gì ngạc nhiên khi các nghiên cứu liên tục chỉ ra mối liên hệ giữa sự tự tin và hạnh phúc. Trẻ em không thể có thứ này nếu không có thứ kia – đó là điều chúng ta biết nhờ vào trực giác, và thế là nhiều người cổ vũ con em mình hăng hái quá mức. Con nguệch ngoạc vài nét đã được gọi là Picasso, ghi một bàn thắng là trở thành Beckham, làm được phép cộng 1 với 2 là đủ tiêu chuẩn gia nhập Tổ chức trí tuệ cao… Dạng “khen ngợi thành tích” này có thể phản tác dụng. Một đứa trẻ chỉ nghe những lời khen kiểu này sẽ nghĩ mình cần phải đạt thành tích thì bố mẹ mới hài lòng, từ đó sợ rằng nếu mình không thành công thì sẽ không được bố mẹ yêu thương nữa.

Ca ngợi cụ thể hơn – thông minh, xinh đẹp, giỏi thể thao – cũng có thể làm suy yếu sự tự tin của trẻ em sau đó, nếu chúng lớn lên với niềm tin rằng giá trị của mình nằm ở thứ gì đó ngoài tầm kiểm soát và có khả năng chỉ thoáng qua phút chốc. Chẳng hạn, nếu bạn khen ngợi con chủ yếu ở khoản xinh đẹp, điều gì sẽ xảy ra khi bé lớn lên không xinh nữa? Trẻ phải chăm sóc da mặt bao nhiêu lần mới cảm thấy được mình đáng giá? Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em được đánh giá cao chủ yếu do thông minh sẽ trở nên nhút nhát về mặt trí tuệ, do sợ rằng mình sẽ bị xem là kém thông minh và sẽ bị giảm giá trị nếu thất bại.

Hãy khen ngợi những nỗ lực của con thay vì kết quả hay thành tích (Ảnh: Inmagine)

Thuốc giải cho việc này không phải là bạn ngừng khen ngợi, mà chuyển hướng lời khen. Bạn hãy khen ngợi nỗ lực chứ không phải kết quả; hãy khen sự sáng tạo, làm việc chăm chỉ, sự kiên trì dẫn đến thành công nhiều hơn chính bản thân thành tích.

Mục tiêu ở đây là hình thành cho trẻ “tâm thế phát triển”, hay niềm tin rằng mọi người đạt được thành công nhờ vào chăm chỉ làm việc và rèn luyện nhiều hơn do tài năng bẩm sinh. Các chuyên gia quan sát và nhận xét trẻ em được dán mác có tài năng bẩm sinh thường cảm thấy chúng cần phải chứng tỏ bản thân hết lần này đến lần khác; trong khi đó, nghiên cứu cho thấy trẻ em có “tâm thế phát triển” thích thú với việc mình làm hơn và làm tốt hơn bởi  không phải lo lắng mọi người nghĩ gì về mình nếu thất bại. May mắn thay, nghiên cứu cũng cho thấy “tâm thế phát triển” có thể được hình thành thông qua một lời khen ngợi đơn giản: “Con đã làm việc đó thật tốt, chắc chắn con đã rất cố gắng.”

Vậy cho nên, không phải chúng tôi khuyên bạn đừng khen ngợi con trẻ, chỉ là hãy tập trung khen điều gì đó nằm trong tầm kiểm soát của con.

5. Để con thành công và thất bại

Nếu bạn thực sự muốn thúc đẩy lòng tự tôn của con, hãy chú ý nhiều hơn đến việc cung cấp cho trẻ cơ hội học các kỹ năng mới. Việc chinh phục khó khăn, chứ không phải lời khen ngợi, mới là nhân tố xây dựng sự tự tin thực sự. May mắn thay, khi nói đến trẻ em dưới 4 tuổi, gần như tất cả những gì chúng làm đều là cơ hội để chinh phục khó khăn, bởi đó toàn là những thứ mới mẻ với chúng: học bò, học đi, học cách tự ăn mặc, ngồi bô, đi xe ba bánh…

Khi này, thử thách của chúng ta là đứng lùi ra, để cho con cái tự làm những gì chúng có khả năng. Ngồi nhìn con vất vả vật lộn với khó khăn thật chẳng dễ chịu gì; nhưng chúng sẽ không bao giờ biết được cảm giác hân hoan khi chinh phục được thử thách trừ khi “được” đối mặt với nguy cơ thất bại. Ít có kỹ năng nào có thể được hoàn thiện ngay lần thử đầu tiên. Trẻ chỉ đạt được sự thành thạo bằng cách luyện tập. Và thông qua những lần chinh phục khó khăn, trẻ sẽ phát triển tinh thần mình-làm-được, cho phép chúng tiếp cận những thách thức trong tương lai với niềm say mê và lạc quan, điểm mấu chốt của một cuộc sống hạnh phúc.

6. Cho trẻ trách nhiệm thực sự

Công nhận những đóng góp của con, dù là nhỏ bé (Ảnh: Inmagine)

Hạnh phúc phụ thuộc phần lớn vào cảm giác những gì chúng ta làm là quan trọng và được người khác đánh giá cao. Nếu không có cảm giác đó, ta sợ rằng mình sẽ bị loại khỏi nhóm. Và các nghiên cứu cho thấy điều con người chúng ta sợ nhất chính là bị loại trừ.

Nói cách khác, mọi người sinh ra đều có nhu cầu được cần đến. Bạn càng cho con thấy rằng bé là một phần đặc biệt của gia đình ngay từ khi còn nhỏ, bé càng nhận thức rõ hơn về giá trị bản thân và càng hạnh phúc hơn về sau. Trẻ từ lúc mới 3 tuổi đã có thể đảm nhận những nhiệm vụ có ý nghĩa nhất định trong gia đình, cho dù việc đó chỉ là đổ đầy thức ăn cho mèo hay bày khăn ăn vào bữa tối. Nếu có thể, bạn hãy phân công công việc theo sở trường của con. Ví dụ, con bạn thích bố trí xếp đặt mọi thứ, hãy giao cho bé phân loại dĩa và thìa. Nếu bé đặc biệt thích chăm sóc người khác, bé có thể đảm nhiệm việc chơi đùa với em trong khi bạn dọn bữa tối. Miễn bạn thừa nhận rằng con có đóng góp cho gia đình, ý thức gắn kết và sự tự tin của bé sẽ được nâng cao, và đây là hai điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc lâu dài.

7. Luyện tập thói quen biết ơn

Cuối cùng, các nghiên cứu về hạnh phúc luôn liên hệ lòng biết ơn với các cảm xúc tốt đẹp. Nghiên cứu tại Đại học California, Davis, và các nơi khác đã cho thấy rằng những người viết bút ký tri ân hàng ngày hoặc hàng tuần cảm thấy lạc quan hơn, tiến bộ nhiều hơn trong việc thực hiện mục tiêu, và nhìn chung cảm thấy tốt hơn về cuộc sống.

Đối với trẻ em, viết nhật ký có thể là điều không thực tế. Tuy nhiên, một cách để nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ em là yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình dành thời gian hàng ngày – trước hoặc trong bữa ăn – nói lên điều gì đó khiến họ thấy biết ơn và biến nó thành một nghi lễ thường xuyên. Đây là một thói quen giúp thúc đẩy tất cả các loại cảm xúc tích cực, và nó thực sự có thể dẫn đến hạnh phúc lâu dài.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: 7 bí mật nuôi dạy con hạnh phúc – Phần cuối (https://www.meo.vn/7-bi-mat-nuoi-day-con-hanh-phuc-phan-cuoi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *