“Hoa Đà” trên Cao nguyên đá

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Theo tay anh chỉ, tôi chưa kịp ngồi xuống ghế thì tiếng nhạc chuông điện thoại đã lại vang lên: “Em ở đầu sông, anh cuối sông...”. Anh đưa tay với chiếc máy trên đống giấy tờ ở bàn làm việc, sau tiếng “a lô” là sự lắng nghe đến im lặng. Đóng máy, anh quay sang bảo tôi: “Lại phải xin lỗi và lỡ hẹn anh rồi. Một ca mổ cấp cứu đang cần tôi...”.

Nhiều lần, rất nhiều lần như thế, còn hôm nay thì...

Đã gần hai giờ đồng hồ, phòng mổ vẫn im lặng như tờ, chỉ có những đôi tay đưa đi, kéo lại và những cánh áo blouse trắng toát. Mùi cồn tiệt trùng thoang thoảng bốc lên, tiếng máy thở đều đều, y cụ phòng mổ chạm vào nhau lanh canh trên khay i-nốc. Mỗi một lần cánh tay của bác sĩ trưởng kíp mổ đưa lên, quay sang trái, sang phải, xuống phía dưới, đưa lên trên... là những ánh mắt lại ngước về phía màn hình. Như một cỗ máy vi điện tử đã được cài đặt sẵn chương trình, người phụ mổ cứ đưa những dụng cụ mổ cần dùng qua ánh mắt của bác sĩ mà không cần chỉ dẫn bằng âm thanh. Thế mới biết, năm người trong kíp mổ chỉ là một, họ hiểu nhau, hiểu nhau tới nỗi khó tin, để thực hiện những “mệnh lệnh” được đưa ra bằng mắt...

Tôi dán chặt mắt vào cửa kính bên phòng mổ, chân tôi muốn khuỵu xuống, mồ hôi toát ra, không phải vì lo sợ cho tính mạng của người bệnh, mà vì mệt, chỉ đứng không thôi cũng đã làm cho mắt tôi hoa lên. Vậy đấy... cho đến lúc những mẫu bệnh phẩm được rút ra nhỏ xíu qua đường ống cũng nhỏ xíu nơi khoang bụng bệnh nhân, tôi mới thở phào, nhẹ nhõm. Nhìn lên màn hình, nước được bơm vào rửa sạch khoang bụng, rửa sạch từng ngõ ngách cũng nhỏ xíu trong cơ thể con người. Đúng là một kỳ tài, một nền khoa học phát triển lên tới cực điểm để bảo vệ mạng sống cho nhân loại, kéo những bệnh nhân ra khỏi lưỡi hái tử thần. Tôi đứng như chôn chân xuống nền gạch men trắng bóng, mắt không rời gói bệnh phẩm, một khối u xơ nặng đến trên bốn trăm gam chứ chả chơi. Vậy đấy, thế mà với bàn tay tài hoa, người bác sĩ kíp trưởng cứ cắt mãi, cắt mãi để cái bệnh phẩm chết người kia trở thành một sợi dây dài, rồi luồn qua cái vết mổ nhỏ xíu đưa ra bằng hết.

Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Quý - Giám đốc Sở Y tế Hà Giang.

Bước ra khỏi phòng thay quần áo, anh bảo tôi: “Thông cảm nhé, đây là một ca mổ nội soi đầu tiên mà tôi thực hiện một mình, lại là một ca mổ khó. Nếu như trước đây mổ mở truyền thống, thầy thuốc ngoại khoa chỉ việc cắt đi, khâu lại là xong. Nhưng để giữ lại những gì mà tạo hoá ban tặng cho con người, lương tâm người thầy thuốc không cho phép tôi làm như thế. Vậy là cứ lần, cứ xoay và cứ bóc dần từng chút một, bóc đến đâu lại cầm máu bằng tia đốt đến đó nên mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa cái u xơ này lại to khủng khiếp, nó gần như bao trọn tử cung rồi, chỉ cần một nhát kéo không chính xác cũng làm cho máu chảy nhiều, khó cầm được...”.

Đấy là ca mổ u xơ tử cung bằng phẫu thuật nội soi đầu tiên của Thầy thuốc nhân dân, Giám đốc Sở y tế Hà Giang Trần Đức Quý. Một thầy thuốc, một con người mà ai đó chỉ cần gặp một lần thôi cũng cảm nhận được sự ân cần đầy tình nghĩa nhân văn đến khó tin trong công việc bộn bề. Những cú điện thoại của tôi thường được trả lời ở trong phòng mổ, phòng siêu âm, phòng chụp cắt lớp hay các khoa phòng khác. Đã nhiều lần tôi “đột nhập” phòng giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh trước kia, rồi nay là phòng giám đốc sở và khi thấy phòng “chống trơn” thì tôi đành mở điện thoại, bấm vào dẫy số tưởng như đã thuộc làu mà chờ đợi. Tiếng xột xoạt nhè nhẹ của áo blouse, hay tiếng gió rít qua cửa kính xe, đôi lúc lại là tiếng lào xào trong một hội nghị nào đấy: “A lô, tôi đang mổ, chắc phải nửa đêm mới xong, ba ca cơ anh ạ...”; “A lô, tôi đang đi cơ sở, chắc phải mất vài ngày, nhưng cũng không biết đâu được, nếu anh em ở bệnh viện Đa khoa tỉnh gọi có “ca khó” thì đêm  tôi cũng về, mai lại đi sớm...”; “A lô, tôi đang ở huyện, đang tập huấn cho anh em, chắc đêm  mới về đến cơ quan anh ạ...”.

Cứ thế, công việc của Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Quý quay như đèn cù mà anh bảo để thực hiện ước mơ của cậu bé Trần Đức Quý ngày nào, cái ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông ở xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang ấy. Trong một lần cùng bạn bè vào hiệu sách, rồi như một định mệnh hai cuốn sách khoa học cứ ám  ảnh Quý đã đưa đường, chỉ lối cho tương lai của người thầy thuốc nhân dân hôm nay. Nó dẫn Quý tới khát khao và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực. Đấy là cuốn “Đường vào khoa học” của Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng cuốn “Cuộc đời và sự nghiệp” của Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Nhiều đêm, rất nhiều đêm cậu bé Quý, học sinh “lớp mười, trên mười” ngày ấy đã “ôm” hai cuốn sách vào giấc ngủ để rồi khao khát thi đỗ vào trường Đại học y Bắc Thái. Năm năm học trong trường, những cánh cửa khoa học ngành y cứ dần mở ra trong đầu Quý, đưa Quý đến với “thiên đường” của sự sống và cũng cho Quý nhận diện rõ nét nhất về “thần chết” cướp đi bao mạng sống đồng loại, nếu không được chạy chữa kịp thời.

Năm năm học, Trần Đức Quý luôn là học sinh giỏi toàn diện của trường với một cách học “thừa” say mê và cũng đầy sáng tạo để tiếp thu được nhiều nhất những kiến thức khoa học, công nghệ ngành y. Năm 1989 ra trường, với tuổi trẻ đầy khát vọng, Trần Đức Quý xung phong lên công tác tại huyện Yên Minh, một huyện vùng cao núi đá đầy rẫy những khó khăn của tỉnh Hà Tuyên khi ấy và tỉnh Hà Giang hôm nay, cách xa nhà 267km. Ngày ấy, nếu nhìn vào cơ sở vật chất thì khó ai tin được một bệnh viện cấp huyện, một trung tâm y tế mà chỉ có hai dãy nhà cấp bốn lợp lá, cả huyện chỉ có hai bác sĩ. Đặc biệt là dịch bệnh tràn lan, nhất là dịch sốt rét, dịch sởi và nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác...

Buổi chiều đầu tiên, Quý ngồi tựa lưng vào cột hiên dẫy nhà điều trị, mắt nhìn đăm đăm vào khoảng rừng núi xa xăm. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu người thầy thuốc ngoại khoa mới ra trường và cũng chính những câu hỏi không có câu trả lời ấy luôn thôi thúc Quý lao vào công việc. Với một quyết tâm  mà có lẽ chẳng ai ngày ấy dám làm hay dám nghĩ tới bao giờ. Bởi đấy là khởi đầu sự nghiệp, là thành bại của một danh y, một ca mổ đầu tiên mà y tế tuyến huyện không được phép, hay không có đủ điều kiện để thực hiện, dù tay nghề có vững vàng đến bao nhiêu. Hơn nữa Quý chưa một mình cầm dao mổ bao giờ, bên cạnh những người thầy thuốc của thập niên tám mươi, thế kỷ hai mươi, trên vùng đất khó khăn này, họ chỉ khám bệnh bằng tay và chiếc ống nghe đeo lủng lẳng trước ngực, không có phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng. Vậy mà bác sĩ Quý đã dùng kỹ thuật khám bằng que sông, tức dùng Sonde sắt (Benreque) thăm dò niệu đạo để chẩn đoán bệnh sỏi và anh đã khẳng định viên sỏi đang chèn chặt vào cổ bàng quang người bệnh.

Đêm ấy, Quý không ngủ, dưới ánh trăng suông, người ta thấy bóng áo bluse trắng nhỏ bé đi lại trước sân bệnh viện miền sơn cước. Những bước chân trong đêm cứ nhanh dần, dứt khoát thêm lên theo mỗi vòng sân, quay đi, quay lại để tìm ra hướng đi của chính mình. Không thể ngồi nhìn bệnh nhân chết, khi mình là bác sĩ ngoại khoa độc nhất của cái trung tâm y tế này. Chiều nay khi phát hiện ra sỏi, anh đã quyết định chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nhưng người nhà bệnh nhân đã không ngần ngại nói ra hoàn cảnh của mình. Câu nói “trăm sự nhờ bác sĩ, có chết thì cho nhà tôi chết ở đây...”. Quý bất chợt rùng mình, anh bước nhanh hơn, nàn sương đêm tạt vào mặt anh lạnh cóng.

Ca mổ đầu tay của Quý được bắt nguồn từ đêm ấy, từ câu khẩn cầu của người nhà bệnh nhân ấy, sau hơn hai giờ đồng hồ, có sự trợ giúp đắc lực của đồng nghiệp, anh đã thành công. Nghe tiếng lanh canh của viên sỏi bàng quang nặng hơn ba trăm gam trên khay men đựng bệnh phẩm đã làm  cho người anh run lên. Anh bảo lúc này anh mới thấy giá trị của những tháng ngày khổ học, khổ luyện và những cuốn sách kéo anh vào cuộc chiến với tử thần. “Tiếng lành đồn xa...” ba năm làm bác sĩ điều trị, gần bảy năm làm Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Minh, Hà Giang, Trần Đức Quý đã phẫu thuật hơn một nghìn ca lớn nhỏ cho đồng bào bốn huyện trên cao nguyên đá và anh chưa một lần chịu thất bại.

Nhìn rõ dịch bệnh xuất phát từ nghèo đói, từ môi trường sống, từ tập quán, tập tục sinh hoạt của đồng bào, Quý đã không ngần ngại đề xuất việc đưa cán bộ y tế, đưa bác sĩ về tuyến cơ sở. Đặc biệt là việc thành lập các tổ công tác xuống tận thôn bản cùng với cán bộ y tế cơ sở, các đoàn thể vận động nhân dân nằm màn, ăn chín uống sôi, bãi bỏ các hủ tục, vệ sinh môi trường mà anh luôn là trưởng đoàn hay trưởng nhóm. Yên Minh trở thành huyện đầu tiên của Hà Giang có được một tuyến chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người hoàn chỉnh, có đội ngũ y tế thôn bản, y tế cộng đồng, tuy chưa có tay nghề cao, nhưng đội ngũ y tế này là sự kết nối có hiệu quả nhất để chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Năm 1998, được điều động về làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trần Đức Quý kéo tôi xuống thăm các khoa phòng, rồi anh bảo: Là một bệnh viện “đứng đầu hàng tỉnh” không thể để cơ sở vật chất thế này được, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, phải cải thiện môi trường làm việc, thu hút nhân tài, phấn đấu học hỏi để đổi mới mình và phục vụ sức khoẻ nhân dân ngày một tốt hơn. Bẵng đi một thời gian khá dài, khi quay lại, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay da, đổi thịt. Các khu điều trị, nhà làm việc đều được xây dựng khang trang, thiết bị y tế được trang bị hiện đại, như siêu âm  4D, chụp cắt lớp, phòng mổ nội soi, máy tâm đồ và biết bao thiết bị y tế hiện đại khác.

Ngồi nói chuyện với bệnh nhân người dân tộc Tày ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đang nằm điều trị tại phòng hậu phẫu, ông cười đầy hạnh phúc: “Bệnh viện Hà Giang có kém gì ở Hà Nội đâu, các thiết bị thì hiện đại, bác sĩ, kỹ thuật viên thì chăm sóc hết mình. Tôi mổ u đại tràng, phải cắt nối, tưởng không qua nổi, nhưng bác sĩ Quý và những thầy thuốc ở đây đã kéo tôi ra khỏi tử thần. Ơn này khó trả, nhưng Hà Giang đã có một “Hoa Đà”, một “thuật y” mà không dễ gì tỉnh nào có được...”.

Trong khu hậu phẫu, đủ loại bệnh hiểm nghèo đã được các thầy thuốc ở đây thực hiện, như phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít; phẫu thuật sỏi niệu bể thận niệu quản; mổ đường ngang trong phẫu thuật lấy thai nhi; cắt tử cung bán phần, toàn phần; đặc biệt hơn nữa là dùng phương pháp crosell để cắt tử cung theo đường âm đạo trong bệnh sa sinh dục...

Trần Đức Quý thủ thỉ tâm sự: Có gì đâu anh, từ lúc làm giám đốc trung tâm huyện, đến giám đốc bệnh viện tỉnh, năm  2000 kiêm phó giám đốc sở y tế và đến năm 2009 được bổ nhiệm làm giám đốc sở vẫn thế thôi. Quan trọng là việc biết bố trí thời gian hợp lý, biết tổ chức ca kíp làm việc một cách khoa học và biết vượt lên chính mình, biết hy sinh vì nghề nghiệp và người bệnh.

Nếu là trường hợp mổ cấp cứu, thì dù có bận mấy cũng hoãn các việc lại, ưu tiên cho cứu người. Những trường hợp còn lại, nhất là những ca mổ khó, phải có mình thì tốt nhất là bố trí vào ngoài giờ hành chính. Không “côm đam” đâu, mà điều thiết yếu vẫn là đứng mổ để truyền thụ kiến thức, kỹ thuật và cách sử dụng công nghệ mới, tiên tiến cho đồng nghiệp, hơn nữa cũng là củng cố tay nghề “học thầy không tày học bạn” mà. Trong những năm đi học chuyên khoa cấp I, rồi học chuyên khoa cấp II còn bận rộn hơn nhiều, làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật, cứ khi nào không học là tôi về bệnh viện. Đi qua nhà mà nhiều khi nhắm mắt làm  ngơ dù rất nhớ con, nhớ vợ. Nhà tôi ở thị trấn Yên Sơn, ngay cạnh đường quốc lộ 2 mà anh.

Trần Đức Quý xác định suốt đời là một sinh viên y khoa, cũng bởi anh bảo lời dạy của Lê Nin “học, học nữa, học mãi”, học đến khi nhắm mắt xuôi tay, nó đã ngấm vào trong anh và từ anh đã truyền “lửa” cho đồng nghiệp một lòng say mê học tập, nâng cao khả năng điều trị ở tất cả các khoa, phòng. Đến năm 2009, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang đã có trên sáu mươi phần trăm bác sĩ có trình độ sau đại học, trong đó có tới sáu bác sĩ chuyên khoa cấp II, sáu thạc sĩ, còn lại là bác sĩ chuyên khoa cấp I. Cơ bản Hà Giang đã thanh toán dịch sốt rét và nhiều dịch bệnh khác, không có xã “trắng”, thôn bản “trắng” về y tế.

Ngay từ những ngày đầu đi học chuyên khoa cấp II, cứ sau mỗi tuần học, ngày chủ nhật là Quý tranh thủ về bệnh viện trực tiếp ứng dụng những điều mới học vào khám chữa bệnh. Như mổ cắt gan theo phương pháp Tôn Thất Tùng; mổ nội soi cắt u xơ tử cung; mổ lấy sỏi niệu quản sau phúc mạc qua nội soi; mổ bệnh lý co thắt tâm vị; dẫn lưu Kehr, cắt đại tràng, trực tràng qua nội soi... Những phẫu thuật này luôn được đánh giá là vô cùng khó khăn và phức tạp, được xếp loại đặc biệt, có nhiều ca mổ kéo dài từ năm đến sáu giờ đồng hồ. Trần Đức Quý đã phẫu thuật thành công nhiều ca mổ khó, như cắt khối tá tụy trong bệnh lý u đầu tụy. Rồi cũng chính anh đưa việc tán sỏi niệu quản qua nội soi và đã thành công ngay từ những ca đầu tiên... Biết bao việc về khám chữa bệnh mà bác sĩ Trần Đức Quý đã làm trong suốt 22 năm  qua để điều trị bệnh, giúp người dân vùng khó vượt thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo. Anh thường tâm sự: Không như nghề khác, ngành khác, không thành công hôm nay thì làm lại, chỉ mất thời gian thôi. Nhưng ngành y thì không thể, chỉ một nhầm lẫn nhỏ, sai sót nhỏ sẽ mất đi một tính mạng con người... Nói là chẩn đoán nhưng lại phải chính xác, không cho phép dung sai và luôn biết đau nỗi đau của người bệnh.

Có lẽ phải gặp Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Quý mới cảm nhận được hết cách làm việc đến khắt khe của anh. Không căng thẳng, không vội vã, nhưng lịch làm việc thì khép kín từ sáu giờ sáng đến mười hoặc mười hai giờ đêm. Vẫn vồn vã, hồ hởi, vẫn tận tâm và hết mình với nghề với nghiệp, chưa một lần tôi gặp anh cau có, dù có không hài lòng bao nhiêu thì anh cũng chỉ trao đổi với đồng nghiệp bằng tất cả những tâm huyết của mình. Hiện là giám đốc sở, nhưng mỗi tuần “Hoa Đà” Quý phải có 5- 6 lần đứng bên bàn mổ...

TTND. Trần Đức Quý (x) thực hiện ca phẫu thuật nội soi.

Sau cú điện thoại vào gần mười một giờ trưa ngày thứ bảy, anh hẹn: “Anh xuống ngay nhé, tôi vừa mổ xong, đang rửa tay, tí tôi về ngay. Còn chiều nay lại bận với hai ca mổ khác rồi...”. Thật là kỳ lạ, sức chịu đựng của con người thì có hạn mà sức làm việc của anh thì đúng là vô biên. Ngồi trước tôi là Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Quý, một con người có vóc dáng nhỏ bé, bình dị đến khó tin, khi làm giám đốc sở mà anh không rời chiếc áo blouse trắng. Câu hỏi ngoài lề của tôi làm  anh hơi lúng túng: “Có chứ, ai chẳng nhớ nhà, ai chẳng muốn những ngày nghỉ cuối tuần được về với vợ con. Vậy mà tôi thì đôi lúc không thể, một tháng bốn tuần mà có một cuối tuần được nghỉ với vợ con là hạnh phúc lắm  rồi. Hai vợ chồng với cậu con trai 16 tuổi, năm nay đang học lớp 10, được cái cu cậu học cũng kha khá lại chăm ngoan, còn bà xã thì công tác tại bưu điện Tuyên Quang, cũng hay phải đi trực đêm, đâm ra dễ thông cảm với ngành y. Chẳng ai bắt mình không nghỉ cả, chỉ có lương tâm, nghề nghiệp nó níu kéo mình thôi, nhất là anh phải nhìn thấy, nghe được nỗi đau của mỗi bệnh nhân mới thấm thía câu dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền” anh ạ.

Ngồi với anh chưa đầy hai mươi phút mà chiếc điện thoại trong tay anh liên tục réo. Thôi thì đủ chuyện, từ các huyện gọi về, từ đồng nghiệp gọi đến, rồi từ những bệnh nhân, gia đình người bệnh. Anh vẫn bình thản trả lời từng người, lắng nghe mọi người nói. Có người bệnh anh khuyên đưa ngay tới cơ sở y tế, có việc anh bảo chờ anh buổi chiều, riêng có một việc tôi thấy anh từ chối ngay và cảm ơn, đấy là người nhà bệnh nhân mời anh đi ăn cơm ở một quán đặc sản nào đó mà tôi nghe không rõ.

Ngay từ những năm 1989, sau những ca mổ thành công ở Trung tâm y tế huyện Yên Minh, sau những chương trình đưa cán bộ y tế về cơ sở, đồng bào bốn huyện vùng cao phía Bắc Hà Giang đã gọi anh là thầy thuốc của nhân dân. Bước vào tuổi 45, anh đã có 22 năm tuổi nghề, 19 năm tuổi Đảng, ước mơ “Đường vào khoa học” của GS. Tôn Thất Tùng cùng “Cuộc đời và sự nghiệp” của GS. Đặng Văn Ngữ đã thắp sáng niềm tin trong anh. Tận tâm và hết mình với nghề, để Hà Giang hôm nay, cao nguyên đá hôm nay có một Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Quý và anh đang được tỉnh đề nghị chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng II. Còn tôi, người viết bài này lại muốn được gọi anh là “Hoa Đà trên Cao nguyên đá”.

Bút ký của Nguyễn Quang

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: “Hoa Đà” trên Cao nguyên đá (https://www.meo.vn/%e2%80%9choa-da%e2%80%9d-tren-cao-nguyen-da.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *